Chiến tranh Bóng đá
Ảnh minh họa: blogspot.com |
Một số cuộc chiến tranh bắt đầu bởi đòn tấn công bất ngờ hoặc vụ thảm sát, song xung đột giữa El Salvador và Honduras vào năm 1969 bắt đầu bởi một trận bóng đá. Đội tuyển El Salvador thua khi đấu với đội tuyển Honduras trong khuôn khổ vòng loại thứ hai tại khu vực Bắc Mỹ của Cup bóng đá thế giới 1970 và căng thẳng giữa hai nước tăng. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng căng thẳng xuất phát từ những vấn đề kinh tế - như dòng người nhập cư từ El Salvador tới Honduras.
Ngày 14/7, quân đội El Salvador tấn công Honduras. Bất ngờ trước hành động của El Salvador, Tổ chức Các nước châu Mỹ đã dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn vào tối 18/7. Thỏa thuận quy định hai nước chính thức ngừng bắn từ ngày 20/7. Do thỏa thuận ra đời đúng 100 giờ từ khi binh sĩ El Salvador nổ phát súng đầu tiên nên người ta còn gọi xung đột này là Chiến tranh 100 giờ. Quân đội El Salvador rút về nước vào đầu tháng 8. Theo các tài liệu lịch sử, khoảng 3.000 người của cả hai bên đã mất mạng vì cuộc chiến.
11 năm sau, vào ngày 30/10/1980, hai nước ký hiệp ước hòa bình và đồng ý phân định tranh chấp biên giới trên Vịnh Fonseca và 5 đoạn biên giới trên đất liền thông qua Tòa án Công lý Quốc tế. Vào năm 1992, Tòa án Công lý Quốc tế trao phần lớn lãnh thổ tranh chấp cho Honduras. 6 năm sau, hai nước ký hiệp ước phân định biên giới để thực thi các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế. El Salvador đã trao cho Honduras những phần lãnh thổ có tổng diện tích khoảng 374,5 km2. Tới năm 2006 quá trình phân chia biên giới chưa hoàn thành nhưng hai nước vẫn giữ quan hệ ngoại giao và thương mại bình thường.
Binh sĩ bắn nhau vào ban ngày, tán gẫu với nhau vào ban đêm
Binh sĩ giao tranh trong Chiến tranh Transdniestria. Ảnh: blogspot.com |
Xung đột giữa Moldova và Transdniestria bùng phát ngay sau khi Liên Xô tan rã khiến Moldova rơi vào tình trạng khủng hoảng. Hồi ấy Transdniesta vẫn là phần lãnh thổ nằm ở phía đông Moldova và tiếp giáp với Ukraine. Người dân ở Transdniestria - chiếm khoảng 1/3 dân số Moldova - muốn xích lại gần Nga, trong khi phần còn lại của đất nước muốn quan hệ gần gũi với Romania. Vì thế chiến tranh bùng nổ vào ngày 2/3/1992. Nhưng một thực tế lạ lùng đã xảy ra trong cuộc chiến. Binh sĩ hai bên giao tranh vào ban ngày, song khi màn đêm buông xuống, họ lại tới những khu vực vắng vẻ để tán gẫu và uống rượu với nhau. Thậm chí binh sĩ còn thỏa thuận ngầm rằng họ sẽ không bắn nhau nếu thấy người quen ở chiến tuyến bên kia. Tình trạng ấy không chỉ diễn ra trong một đêm, mà diễn ra vào mọi đêm trong suốt cuộc chiến. Một binh sĩ viết trong nhật ký: "Cuộc chiến này giống như một bữa tiệc kỳ cục. Ban ngày chúng tôi giết kẻ thù, còn ban đêm chúng tôi uống rượu với họ. Chẳng cuộc chiến tranh nào lố bịch hơn thế".
4 tháng sau, vào ngày 21/7/1992, chiến tranh giữa Moldova và Transdniestria kết thúc. Transdniestria tiếp tục duy trì tình trạng độc lập với Moldova dù phần lớn nước trên thế giới không công nhận họ. Giới sử gia cho rằng gần 1.000 người mất mạng và khoảng 3.000 người bị thương bởi cuộc chiến.
Chiến tranh Đà điểu
Một con đà điểu sa mạc Australia. Ảnh: Wikipedia |
Có lẽ đây là cuộc chiến duy nhất trên thế giới mà các bên tham chiến không phải là con người. Vào năm 1932, số lượng đà điều sa mạc Australia tăng tới mức mà con người không thể kiểm soát. Khoảng 20.000 con đà điểu tung hoành trong sa mạc khổng lồ của Australia và phá hoại mùa màng. Để hạn chế thiệt hại, quân đội Australia phái một lực lượng tới sa mạc để diệt chúng bằng súng máy. Thậm chí họ còn tuyên chiến chính thức với chúng. Tới giữa tháng 11/1932, quân đội cho phép binh sĩ giết mọi con đà điểu mà họ thấy.
Tuy nhiên, binh sĩ đối mặt với tình cảnh khá nan giải. Những con đà điểu khỏe đến nỗi ngay cả khi hàng loạt viên đạn súng máy găm vào cơ thể, chúng vẫn phóng rất nhanh và chạy thoát. Chiến tranh Đà điểu diễn ra trong gần một tuần. Sau đó, viên sĩ quan chỉ huy lực lượng thanh trừng đà điểu quyết định ngừng chiến dịch vì binh sĩ của ông chỉ diệt một phần nhỏ quần thể đà điểu ở sa mạc.