Ban lãnh đạo công ty Kalashnikov Concern mong phương Tây dỡ các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: BBC |
Mọi người đều nghĩ AK là loại vũ khí phổ biến nhất hành tinh, song trong nhiều năm qua, công ty sản xuất nó không hưởng lợi nhuận. Đúng lúc tình hình trở nên sáng sủa hơn thì lệnh trừng phạt của phương Tây ập xuống công ty.
Trong bối cảnh những khẩu AK siêu bền đang chất đống trong các kho vũ khí của quân đội Nga và đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm, công ty Kalashnikov - nhà sản xuất súng AK - đã chuyển hướng sang thị trường vũ khí dân dụng. Hồi tháng 1, công ty đặt một chân vào Mỹ, thị trường vũ khí dân dụng lớn nhất thế giới, với bản hợp đồng cung cấp tới 200.000 khẩu mỗi năm cho Mỹ.
Nhưng hồi tháng 7, Mỹ đưa Kalashnikov vào danh sách 8 doanh nghiệp sản xuất vũ khí hứng chịu các biện pháp trừng phạt do vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Công ty phải dừng hợp đồng khi mới cung cấp chưa tới một nửa số súng theo hợp đồng. Tới tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đưa công ty vào danh sách trừng phạt.
"Đương nhiên tôi cảm thấy thất vọng, vì tôi không hiểu lý do khiến chúng tôi bị trừng phạt", Alexei Krivoruchko, giám đốc công ty, nói với BBC. Ông nói rằng Kalashnikov không còn là doanh nghiệp nhà nước do ông và một doanh nhân khác đã mua 49% cổ phần của công ty. Ngoài ra, phần lớn sản phẩm của công ty phục vụ thị trường vũ khí dân dụng.
"Mỹ là thị trường chủ chốt của công ty. Chúng tôi đã lên kế hoạch phát triển thị trường Mỹ. Việc ngừng hợp đồng là một tổn thất lớn", ông nói.
Khoảng 200 mẫu súng Kalashnikov đang phục vụ con người trên khắp thế giới. Chúng ra đời từ nhà máy của công ty ở Izhevsk, cách thủ đô Moscow khoảng hai giờ bay. Trong thời Liên Xô, nhà máy sản xuất khoảng 600.000 khẩu mỗi năm cho quân đội. Song năm ngoái sản lượng của nó chỉ còn 1/10 con số đó và phần lớn sản phẩm là vũ khí dân dụng.
Ngày nay phần lớn sản phẩm của công ty Kalashnikov Concern là vũ khí dân dụng. Ảnh: BBC |
Với sự ra đời của một nhóm quản lý khủng hoảng, giờ đây công ty đang cải tổ hoạt động sản xuất để tăng gấp đôi sản lượng trong năm nay.
Mục tiêu tiếp theo của họ là nâng cấp những thiết bị cồng kềnh nhưng cũ kỹ trong nhà máy. Chẳng hạn, một cỗ máy ở đây đã hoạt động từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận của phương Tây khiến mục tiêu của họ trở nên khó khăn, bởi họ sẽ phải nhập linh kiện từ châu Á thay vì châu Âu.
"Tôi nhớ mọi thời kỳ ở đây, bao gồm thập niên 90 - khi công nhân không nhận lương hoặc chỉ nhận một phần lương - và khi công ty tuyên bố phá sản", Nikolai Svintsov, một công nhân, kể khi ông lắp ráp một khẩu súng săn trong xưởng.
Nhằm quay trở lại thị trường, mới đây công ty đã đổi tên thành Kalashnikov Concern và tổ chức một sự kiện hoành tráng ở thủ đô Moscow. Trong sự kiện ấy, những cô người mẫu phát cuốn tạp chí về tiểu liên Kalashnikov cho khách. Công ty cũng chiếu một đoạn video để quảng báo súng AK. Trong video, người ta gọi AK là "vũ khí của hòa bình" vì các phong trào giải phóng dân tộc đều cần nó. Tuy nhiên, video không nhắc tới việc cả quân chính phủ lẫn phe ly khai đều sử dụng AK trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
"Chúng tôi đang cố gắng lắng nghe nhu cầu của khách hàng. Tất nhiên chúng tôi có thể cạnh tranh. AK là súng tấn công nổi tiếng nhất thế giới", Dmitry Tarasov, một nhà quản lý trẻ của công ty, phát biểu.
Nhưng bản thân súng AK cũng phải cạnh tranh với chính nó. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cho phép các nước đồng minh sản xuất súng AK. Các nước đó vẫn tiếp tục sản xuất súng AK sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Những khẩu AK từ các nước đồng minh cũ của Liên Xô khiến lợi nhuận của công ty Kalashikov Concern giảm mạnh. Vì thế công ty sẽ tung ra một mẫu súng cải tiến hoàn toàn với hy vọng những người sử dụng AK cũng sẽ nâng cấp vũ khí của họ. Sau đó họ sẽ tung ra phiên bản cải tiến dành cho thị trường dân dụng.