Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

1 tỷ đồng/tháng từ kinh doanh nhà hàng 70 'cái ghế'

Doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng mỗi tháng, chỉ với 70 ghế ngồi trong mặt bằng khoảng 150m2 là yếu tố chính khiến cho các nhà hàng xuất hiện ngày một nhiều tại TP.HCM.

1 tỷ đồng/tháng từ kinh doanh nhà hàng 70 'cái ghế'

Doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng mỗi tháng, chỉ với 70 ghế ngồi trong mặt bằng khoảng 150m2 là yếu tố chính khiến cho các nhà hàng xuất hiện ngày một nhiều tại TP.HCM.

Sau Tết, khu vực kinh doanh ẩm thực tại Vincom Center A rất đông khách đến ăn uống. Các nhà hàng Nem Vuông, Sumo BBQ, Wrap&Roll... gần như kín chỗ. Tại tòa nhà Kumho, dù khu vực kinh doanh thời trang lèo tèo vài người khách nhưng các nhà hàng món ăn Nhật, Thái trong khu ẩm thực của trung tâm này vẫn chật kín thực khách. Còn trên con phố ẩm thực Lê Quý Đôn, các nhà hàng hầu như đều nhộn nhịp khách ra vào trong suốt những ngày Tết.

Hiện nay, kinh doanh nhà hàng được xem là ngành mang lại nhiều lợi nhuận và dễ thành công. Chẳng hạn, Nhà hàng Tre với khẩu hiệu "Sư phụ lẩu, sư mẫu nướng", vốn đầu tư chỉ hết 400 triệu đồng, thuê mặt bằng 1.500 USD/tháng, tổng diện tích 1.400m2, theo tính toán ban đầu, cần doanh thu mỗi ngày 4 triệu đồng là có lời, nhưng thật bất ngờ, doanh thu có ngày đạt tới 7 triệu đồng.

Có những nhà hàng ở quận trung tâm thậm chí chỉ cần doanh thu 4 triệu đồng/ngày là có lãi, nhưng có thời điểm mức thực tế thu được tăng gần gấp đôi.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà kinh doanh đã rất thành công trong lĩnh vực này. Nhà hàng Khoái chỉ mới xuất hiện ở TP.HCM chưa đầy 3 năm nhưng cả hai nhà hàng của chủ đầu tư này đều kín chỗ vào buổi trưa và tối. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, chủ nhà hàng Khoái trên đường Lê Quý Đôn cho biết, những ngày Tết nhà hàng đón rất đông khách đến thưởng thức các món ăn đặc sản Nha Trang.

Nhìn vào phân khúc đầu tư nhà hàng Nhật tại TP.HCM, cũng đủ thấy xu hướng kinh doanh nhà hàng chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài những tên tuổi như: Sushi bar, Tokyo Deli, Coca Suki, Sakura, Oshima..., hàng loạt nhà hàng mới đã xuất hiện với quy mô ngày càng lớn. Trong đó, nhà hàng Kissho trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 với 1.000m2 và sức chứa hơn 200 người đã trở thành nhà hàng Nhật có diện tích lớn nhất hiện nay.

Cũng như Khoái, nhà hàng món ăn Tây của cựu đầu bếp khách sạn New World mang tên 48 trên đường Lê Thị Riêng cũng tấp nập khách ra vào trong những giờ trưa và tối. Việc kinh doanh quá thành công khiến chủ đầu tư quyết định mở nhà hàng 48 thứ hai tại quận 10.

Ngày mùng 8 Tết, nhà hàng 48 thứ ba đã mở cửa cách nhà hàng thứ nhất chỉ một căn. Trong khi đó, nhà hàng Tao (Đạo) trong trung tâm Vincom Center B của diễn viên Trương Ngọc Ánh tuy mới ra đời được 6 tháng nhưng đã mang lại không ít lợi nhuận. Tuy nhiên, đầu tư mạnh nhất trong năm nay phải kể đến là Mocgroup. Bên cạnh hệ thống chuỗi 6 nhà hàng cơm tấm Mộc tại TP.HCM và một nhà hàng ở Hà Nội, chủ doanh nghiệp này đang phát triển ba chuỗi nhà hàng khác là China Deli, Chilli Thái và Rơm BBQ.

Hiện China Deli đã mở ba nhà hàng, Chilli Thái có hai điểm bán và Rơm BBQ một nhà hàng. Chủ đầu tư của Mocgroup cho biết, trong năm nay, Mocgroup sẽ mở thêm 10 nhà hàng tại TP.HCM và Hà Nội.

Vẫn đi theo xu hướng không mở những nhà hàng lớn hoành tráng mà Mộc, Chilli Thái, China Dely, Rơm BBQ sẽ tập trung vào các trung tâm thương mại, những tuyến nhiều người qua lại và ở nhiều nơi khác nhau, dành cho phân khúc khách hàng trung bình. Hiện nay, 12 nhà hàng của nhà đầu tư này có mặt ở Crescent Mall, Diamond, Bitexco... và các tuyến đường lớn trong thành phố như Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn... Mở màn cho kế hoạch đầu tư này là sự xuất hiện của hai nhà hàng của Mocgroup trong tháng 4 tới.

Thời của Food court

Theo nhận định của nhiều chủ nhà hàng, kinh doanh nhà hàng hiện nay, cần phải có đầu tư và quản lý bài bản và chặt chẽ như điều hành một doanh nghiệp. Trong xu hướng này, mô hình Food court (kinh doanh theo chuỗi) đang thắng thế.

Nhà hàng Tao, ngoài đầu bếp là người Hong Kong thì quản lý là người Hoa và đến 60% nhân viên phục vụ cũng là người Hoa. Theo bà Trương Ngọc Ánh, kinh doanh món Hoa theo kiểu Hong Kong nên bếp trưởng phải là người bản địa. Quản lý nhà hàng và nhân viên phục vụ người Hoa một mặt tạo sự khác biệt cho Tao, mặt khác có thể trao đổi trực tiếp với bếp. "Đó cũng là nét riêng mà chúng tôi mang đến cho thực khách khi thưởng thức món ăn ở Tao. Và chỉ có người Hoa mới có thể trao đổi và ghi chính xác món ăn của khách chuyển về đầu bếp. Chỉ cần một nhầm lẫn nhỏ của nhân viên phục vụ cũng có thể làm sai món khách yêu cầu", Trương Ngọc Ánh chia sẻ lý do chọn nhân viên người Hoa.

Hình thức kinh doanh Food court (kinh doanh theo chuỗi) với đầu bếp đặc trưng cho từng nhà hàng đang thắng thế so với các loại hình truyền thống.

Không đến mức phải thuê nhân viên phục vụ người Nha Trang, nhưng đầu bếp và quản lý của nhà hàng Khoái đều là người Nha Trang. Bà Ngọc Diệp cho biết, phải là người Nha Trang thì mới có thể chế biến những món ăn "đúng chất Nha Trang" cho người sành ăn Sài Gòn. Nguyên liệu chế biến món ăn như bánh tráng, ớt, tỏi... cũng được đưa từ Nha Trang vào. Hiện nhà hàng có hơn 100 món ăn được xem là "đặc sản Nha Trang" như: bánh canh, bún cá, bánh ướt, bánh đập, cá tắc kè, cá bò đen...

Trong khi đó, Nhà hàng 48 dù nằm trên "cung đường chết" đối với ngành ẩm thực nhưng vẫn thành công nhờ cung cách phục vụ chuyên nghiệp, đặc biệt đích danh chủ nhà hàng Lý Anh Tú - một bếp trưởng ở khách sạn 5 sao trực tiếp nấu nướng đã khiến thực khách hài lòng.

Gần 100 món ăn Tây ở đây được nhiều thực khách đánh giá là không khác gì những món ăn ở Ý, Pháp nhưng giá cả thì chỉ bằng một nửa. Ông Tú cho biết, để có những món ăn ngon, nhà hàng chọn mua nguyên liệu cao cấp ở những công ty nhập khẩu có uy tín. Ngay như dầu chế biến, ông dùng dầu ôliu thay cho dầu nành thông thường, mặc dù chi phí tăng đến 10 triệu đồng mỗi tháng.

Theo nhiều chủ nhà hàng, kinh doanh nhà hàng hiện nay, với số vốn lớn, cần phải có đầu tư và quản lý bài bản như điều hành một doanh nghiệp: Tìm thị trường mục tiêu, lựa chọn địa điểm, tuyển nhân sự và marketing. Ở các nước trong khu vực, kinh doanh nhà hàng theo chuỗi thường chọn các trung tâm thương mại.

Trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7) khai trương vào cuối năm ngoái và có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay (2.310 tỷ đồng). Riêng khu ẩm thực Bamboo Court, đặt tại lầu 5 cung cấp hơn 1.000 chỗ ngồi, do Saigon Gourmet Group (SGG) quản lý là khu ẩm thực lớn nhất Việt Nam. Theo xu hướng này, ngoài yếu tố chất lượng, nhiều nhà hàng hiện nay đang "nâng cấp" bằng cuộc đua vào các trung tâm thương mại. Chẳng hạn, nhà hàng Nhật Kichi Kichi ở Vincom TP.HCM là một trong những mô hình nhà hàng thành công. Với diện tích 150m2, giá thuê 40 USD/m2, 70 chỗ, doanh số mỗi tháng đạt hơn 1 tỷ đồng.

Giá thuê mặt bằng tính bằng nghìn đô/tháng

Khu kinh doanh ẩm thực tại các trung tâm thương mại thường kín chỗ từ khi chưa được khai trương dù chi phí thuê mặt bằng cao ngất ngưởng. Cuộc đấu giành mặt bằng đẩy chi phí đầu tư một nhà hàng hiện nay lên vài chục tỷ đồng.

Mặc dù thị trường bất động sản ở nhiều lĩnh vực vẫn còn đóng băng nhưng riêng những khu vực trung tâm quận 1, quận 3 vẫn luôn nóng cả về mặt bằng lẫn giá thuê. Hiện hầu hết các Trung tâm thương mại lớn ở quận 1, quận 3 như Diamond, Parkson, Vincom, Tax, Zen Plaza... đều phủ kín khách thuê và giá thuê mặt bằng ở những khu vực này cũng cao nhất. Đứng đầu là Diamond có giá thuê từ 220-250USD/m2 (chưa bao gồm các loại phí), Vincom giá 160-190 USD/m2, Parkson giá từ 80 USD đếm 160USD/m2...

Theo một nhà môi giới bất động sản TP.HCM, hiện nay, khu vực có giá đắt đỏ nhất tập trung ở đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và "con đường ẩm thực" Lê Quý Đôn, quận 3. Giá thuê trên đường Lê Quý Đôn cho một mặt bằng có sức chứa 100 khách không dưới 5.000 USD, những diện tích lớn hơn có giá 10.000-12.000 USD/tháng là chuyện thường. Còn tại khu ẩm thực ở Vincom Center A, giá thuê là 40 - 60USD/m2 và Vincom Center B là 50 - 60 USD/m2/tháng. Tuy giá cao nhưng không dễ để có mặt bằng kinh doanh vì đã kín chỗ.

Những người kinh doanh nhà hàng cũng khá "kén cá chọn canh" nếu muốn tìm được mặt bằng phù hợp. Chẳng hạn, để Tao xuất hiện ở Vincom Center B, bà Ánh đã phải mất 2 năm, còn chủ nhà hàng Khoái cũng phải mất nửa năm mới tìm được mặt bằng đẹp như hiện nay. Hay như Lý Anh Tú thậm chí phải gánh nợ khi đầu tư Nhà hàng 48 thứ hai ở quận 10 và phải mất 3 năm mới tìm được chỗ mới ưng ý.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm