Loyce Matanda-Moyo, Chủ tịch ủy ban chống tham nhũng của Zimbabwe, gọi chiến dịch mới này là "kiểm toán chuyên sâu về lối sống" của người giàu, theo BBC.
Quốc gia châu Phi này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ. Người dân phẫn nộ vì chất lượng dịch vụ công xuống cấp và tình trạng tham nhũng.
"Đây là cuộc tổng kiểm toán về lối sống của một số người giàu. Họ phải xuất trình giấy tờ biên nhận về những hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ có, và những giấy tờ này phải phù hợp với giá trị tài sản của họ. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra xem họ hoặc doanh nghiệp của họ có đóng thuế hay không", thẩm phán Matanda- Moyo nói với tờ Sunday News.
Người dân Zimbabwe sẽ bị tịch thu tài sản nếu không giải thích được nguồn gốc. Ảnh: Xinhua. |
Vào tháng 7/2019, ủy ban chống tham nhũng của Zimbabwe được trao quyền điều tra về nguồn gốc tài sản của người dân, từ đó tiến hành chiến dịch nói trên.
Những người bị điều tra có thể lên Tòa án Tối cao để giải thích về nguồn gốc tài sản của mình. Nếu không làm vậy, tài sản của họ sẽ bị tịch thu.
Zimbabwe không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng quy định này. Trước đó vào năm 2017, Ireland và Vương quốc Anh đều thay đổi luật, yêu cầu một số cá nhân giải thích về khối tài sản lớn.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận giám sát tình trạng tham nhũng, gần đây đã chỉ ra một trường hợp mua vật tư y tế phục vụ chống dịch Covid-19 ở Zimbabwe. Tổ chức này cho biết giá lô vật tư y tế này rất cao, có thể do tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Obadiah Moyo sau đó bị buộc tội lạm dụng quyền hạn liên quan đến hợp đồng mua lô vật tư y tế này. Ông dự kiến hầu tòa lần tiếp theo vào tháng 7.