Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ không đủ tiền nuôi, voi con Zimbabwe bị bán sang Trung Quốc

Zimbabwe rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: bán voi cho Trung Quốc thì không đảm bảo được điều kiện nuôi nhốt, nhưng số voi trong nước thì đang bị đe dọa bởi hạn hán kỷ lục.

Theo CNN, những hình ảnh quay bằng điện thoại cho thấy các con voi non bị nhốt trong chuồng sắt chật hẹp tại một địa điểm ở Trung Quốc. Một con được nhìn thấy đang chúi đầu vào góc tường - dấu hiệu cho thấy chúng đang bị stress nặng nề.

Các quan chức Zimbabwe bắt những con voi non này một cách hợp pháp từ Công viên Quốc gia Hwange, và bây giờ chúng sẽ phải sống trong môi trường chật hẹp hơn nhiều, thêm vào đó là một quãng đời dài phía trước phục vụ du khách Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia về loài vật này nhấn mạnh các chấn thương tâm lý nghiêm trọng mà voi phải chịu đựng trong môi trường nuôi nhốt chật hẹp, nhưng phải tới cuối tháng này, một hiệp ước quốc tế về cấm buôn bán, vận chuyển voi xuyên quốc gia mới có hiệu lực.

Voi con Zimbabwe ban sang Trung Quoc anh 1
Một con voi đang cố gắng với những chiếc lá trên cao, trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng tại Zimbabwe đang khiến nguồn nước của Công viên Quốc gia Hwange cạn kiệt. Ảnh: AP.

Các nhà hoạt động bảo vệ động vật thì lo ngại rằng quá trình này giờ sẽ được thực hiện một cách bất hợp pháp, thay vì hợp pháp như trước đây.

Cơ sở bí mật

Sở hữu một diện tích tự nhiên lớn ở phía tây Zimbabwe, Công viên Quốc gia Hwange là một trong những khu bảo tồn voi lớn nhất châu Phi. Ước tính đàn voi tại đất nước nam châu Phi lên tới 85.000 con, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Botswana với 130.000 con.

Nhưng rất ít trong số du khách tới tham quan Hwange biết rằng bên trong công viên này có một trung tâm khép kín, nổi tiếng với các nhà bảo vệ động vật hoang dã vì bị coi là một cơ sở đặc biệt của chính phủ Zimbabwe nhằm chuẩn bị cho việc bán voi ra nước ngoài.

Được thông tin về tọa độ của cơ sở này từ một nguồn tin bí mật, các phóng viên CNN lái xe đến bên ngoài trung tâm nhằm quan sát và xem có các con voi bị nhốt ở trong hay không.

"Tôi không biết gì về điều đó", một người quản lý cho biết khi được hỏi về các chuồng nuôi nhốt - nơi các con voi bị tạm giữ trước khi được đưa ra nước ngoài.

Phóng viên CNN nhanh chóng được yêu cầu rời đi và họ không có cơ hội vào bên trong, nhưng Chrispen Chikadaya, một thanh tra viên cao cấp của Hiệp hội Quốc gia phòng chống hành vi tàn ác với động vật (ZNSPCA), là một trong số ít những người từng vào bên trong nơi này.

Chikadaya bắt đầu nghe được những tin đồn từ cuối năm 2018 rằng chính quyền đang cho các con voi giao phối rồi sau đó xuất khẩu con non ra nước ngoài.

Các nhân chứng nói với Chikadaya rằng quản tượng chọn ra những con voi đủ lớn để có thể sống mà không cần sữa mẹ, nhưng đủ nhỏ để cho vào container để đưa tới Trung Quốc.

"Chúng bị stress nặng nề vì không được tự do đi lại như trong môi trường tự nhiên. Nếu bạn nhốt chúng vào chuồng, bạn lấy đi sự hoang dã của chúng", Chikadaya nhận định.

Đoạn video được Tổ chức Nhân đạo Quốc tế công bố cho thấy những con voi non tiến rồi lại lùi trong không gian hẹp, dấu hiệu cho thấy chúng bị căng thẳng. Hình ảnh này ngay lập tức tạo ra làn sóng phẫn nộ.

Voi con Zimbabwe ban sang Trung Quoc anh 2
Những con voi con bị nuôi nhốt trong cơ sở tại Công viên Quốc gia Hwange, trước khi được cho vào trong container đưa sang Trung Quốc. Ảnh: AP.

"Đây là chuyện hư cấu. Mọi người làm như là chúng tôi không yêu những con vật này, rằng chúng tôi đang hành hạ chúng. Điều đó không đúng, bởi vì chúng tôi đang chăm sóc những con vật rất tốt", ông Tinashe Farawo, phát ngôn viên Cơ quan quản lý Công viên Quốc gia và Động vật Hoang dã Zimbabwe (Zimparks), tuyên bố với CNN.

Ông Farawo nói rằng Zimbabwe đã đưa nhiều con vật tới các sở thú, gánh xiếc và khu bảo tồn trên khắp thế giới trong hàng thập kỷ, một cách hợp pháp và an toàn.

"Chúng tôi đã đưa những con vật tới Mỹ, Anh, Australia và New Zealand. Đây không phải là điều gì mới mẻ ở quốc gia này. Chúng tôi nghĩ mọi người nên dựa vào khoa học và hỏi xem sự thật là gì chứ không nên để cảm xúc chi phối", ông Farawo nói.

Những con vật thông minh và hòa đồng

Nhà sinh vật học nổi tiếng chuyên nghiên cứu về voi Joyce Poole phản đối quan điểm của ông Farawo về vấn đề khoa học và cảm xúc. Sau thời gian dài nghiên cứu loài voi, bà Poole khẳng định voi là động vật đặc biệt thông minh và không phù hợp môi trường nuôi nhốt.

"Nhiều người cho rằng chúng ta đã áp đặt đặc tính của người cho voi, nhưng hoàn toàn không phải vì đây chính là những đặc tính của voi. Chúng có khả năng đồng cảm, nhận thức về bản thân, hiểu được cái chết và lòng trắc ẩn. Đây là những chứng cứ khoa học mà Zimbabwe đang bỏ qua", bà Poole nói.

Theo bà Poole, voi - cũng giống như con người - là loài vật có tính cộng đồng. Nếu bị cầm tù, chúng sẽ chán nản, trầm cảm, hung hăng và yếu đi.

"Trải qua quá trình tiến hóa, chúng đã phát triển những mối liên kết xã hội gần gũi. Nếu bạn lấy điều đó khỏi một con voi, bạn sẽ hủy hoại nó", bà Poole cho biết.

Voi trong điều kiện nuôi nhốt chết trẻ hơn nhiều so với voi sống trong môi trường tự nhiên, chúng cũng ít sinh sản hơn và phải chịu đựng nhiều bệnh tật hơn, trong đó có bệnh viêm khớp.

"Một số loài động vật có thể phù hợp hoặc thậm chí là phát triển tốt hơn trong môi trường nuôi nhốt hoặc sở thú, bởi nhu cầu sinh học của chúng được đáp ứng. Nhưng đối với voi, không có sở thú nào đủ quy mô để đáp ứng nhu cầu sinh học của chúng", ông Keith Lindsay, một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu điều kiện nuôi nhốt voi trong sở thú, cho biết.

Trong khi các nhà khoa học nghiên cứu nhiều hơn về voi, thái độ của công chúng Mỹ đối với loài vật này cũng thay đổi theo. Gánh xiếc nổi tiếng Ringling Bros và Barnum & Bailey (Ringling Bros. and Barnum & Bailey Circus) đã ngừng sử dụng voi vào năm 2016.

Voi con Zimbabwe ban sang Trung Quoc anh 3
Những chú voi biểu diễn trong một sự kiện của gánh xiếc Ringling Bros và Barnum & Bailey vào năm 2014. Ảnh: New York Times.

Hồi tháng 6, Tổng thống Emmerson Mnangagwa khẳng định Zimbabwe cần phải bán voi hoang dã để tạo ngân sách cho các nỗ lực bảo tồn.

Trước đó, vào tháng 5, chính quyền cho biết thu về 2,7 triệu USD từ việc bán 90 con voi tới Dubai và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn có nhu cầu lớn về việc mua voi của Zimbabwe, nhưng tổ chức ZNSPCA cho rằng chi tiết của những thỏa thuận và điều kiện giam giữ các con vật đều bị che giấu một cách có chủ ý.

Ông Chikadaya kể lại về lần đầu tiên kiểm tra voi ở Hwange - những con dự kiến xuất khẩu vào năm 2018 - và các quan chức công viên khẳng định chúng sẽ được đưa đi trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, những con voi này đã bị giam giữ hơn một năm.

Công viên khổng lồ, nguồn lực ít ỏi

Khoảng 1/3 dân số 16,5 triệu người ở Zimbabwe sinh sống bằng viện trợ lương thực trong mùa khô, và nhiều người nghĩ rằng số phận của khoảng 30 con voi là "vấn đề chỉ thế giới thứ nhất mới quan tâm".

Với nền kinh tế kiệt quệ của đất nước, những cơ quan như Công viên Quốc gia Hwange được kỳ vọng sẽ tự chủ tài chính, và họ làm việc đó bằng tiền từ du khách nước ngoài, và cả việc bán voi nữa, theo ông Farawo.

"Chúng tôi tin rằng những con voi phải trả tiền cho việc chăm sóc và bảo vệ chúng", ông Farawo nói và chia sẻ rằng riêng số lượng voi ở Hwange có thể lên tới 53.000 con - nhiều hơn số lượng mà môi trường nơi đây có thể chứa đựng.

Ông Patrick Sibanda, một nhân viên kiểm lâm kỳ cựu tại Hwange, chia sẻ rằng cứ qua từng năm, lượng mưa rơi xuống lại giảm dần. Khoảng 200 con voi đã chết tại Hwange trong năm nay.

"Mọi thứ rất tệ. Quá nhiều con voi đã chết trong năm nay", ông Sibanda nói khi đang đi qua xác chết khô của một con voi.

"Con voi nhỏ này đến đây để uống nước, nhưng tôi nghĩ là nó đã kiệt sức rồi", người kiểm lâm nói và kể lại rằng một bầy sư tử đã tấn công con voi vào lúc đó.

Đợt hạn hán kỷ lục năm nay diễn ra ở Zimbabwe cũng là một luận điểm chính cho kế hoạch bán voi sang Trung Quốc của chính phủ. Nhà nước cho biết họ cần tiền để xây dựng các nguồn nước nhân tạo nhằm giúp các con voi khỏi chết đói.

Voi con Zimbabwe ban sang Trung Quoc anh 4
Xác con voi chết khô bên dòng nước cạn kiệt ở Công viên Quốc gia Hwange, Zimbabwe. Ảnh: AP.

"Không có nước, không có môi trường sống, và rồi biến đổi khí hậu nữa. Những điều này là thật", ông Farawo cho biết.

Chỉ vài ngày nữa, Zimbabwe sẽ không được phép bán voi tới Trung Quốc, hoặc tới bất cứ quốc gia nào không phải là môi trường tự nhiên của voi châu Phi.

Quyết định này được đưa ra tại hội nghị của tổ chức Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động Thực vật Hoang dã có Nguy cơ Tuyệt chủng (CITES) diễn ra tại Geneva hồi đầu năm nay, được tài trợ bởi Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU).

Động thái này được các nhà hoạt động bảo tồn động vật hoang dã tán dương, nhưng Zimbabwe thì ngược lại vì chính quyền đã mất đi một nguồn thu quan trọng. Tổng thống Zimbabwe nói bóng gió rằng quốc gia này có thể rút khỏi công ước. Còn các nhà hoạt động thì lo lắng rằng một thị trường buôn lậu sẽ hình thành.

Hạn hán ở Zimbabwe, voi nằm chết bên hồ cạn nước

Tình trạng hạn hán ở Zimbabwe đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn voi của nước này khi đã có hơn 100 cá thể chết vì kiệt sức. Ngựa vằn, trâu nước, hà mã cũng không phải ngoại lệ.

Hươu chết ở Thái Lan, trong bụng có 7 kg rác và nhựa

Con hươu hoang đã chết sau khi nuốt khoảng 7 kg túi nylon và các loại rác thải khác tại Thái Lan, cho thấy tình trạng xả rác nghiêm trọng ra môi trường thiên nhiên ở nước này.

Quốc Thăng

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm