Ngày 15/12, Zalo tổ chức sự kiện Zalo AI Summit. Đây là diễn đàn về trí tuệ nhân tạo chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. |
Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia và kỹ sư nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong nước. |
Trong khuôn khổ sự kiện, các công ty nghiên cứu AI hàng đầu tại Việt Nam đã giới thiệu những sản phẩm và ứng dụng của AI vào thực tế. Nhiều sản phẩm được giới thiệu tại sự kiện đã có hàng triệu người dùng đến từ các công ty lớn như VNN AI, Aimesoft, Viettel Cyberspace Center và Zalo AI Lab. |
Không chỉ là nơi giới thiệu kết quả của ngành trí tuệ nhân tạo, Zalo AI Summit 2019 còn khẳng định AI tại Việt Nam đã bước sang giai đoạn ứng dụng vào thực tế cuộc sống, từ phòng Lab bước ra thị trường. “Vẻ đẹp của AI không chỉ đến từ thuật toán mà còn đến từ tác động của nó đến cuộc sống hàng ngày”, ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo phát biểu khai mạc sự kiện. |
Hiện trí tuệ nhân tạo do người Việt phát triển đã có thể ứng dụng cho rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Từ nhận diện hình ảnh, giọng nói, chatbot, callbot đến trợ lý ảo, số hóa tài liệu, đọc tin tức, ghi chú cuộc họp và tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên. |
Mở đầu Zalo AI Summit, ông Nguyễn Tuấn Anh từ Aimesoft giới thiệu về hệ thống hỏi đáp, thảo luận bằng ngôn ngữ tự nhiên và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hệ thống hỏi đáp AI được ứng dụng vào thực tiễn qua các sản phẩm như loa thông minh, chatbot, lễ tân hoặc trợ lý ảo. |
Với hệ thống này, máy tính sẽ nhận diện, phân tích câu hỏi của người dùng. Sau đó đối chiếu với các kết quả từ các nguồn uy tín trên Internet như Wikipedia, các trang báo… để trả về câu trả lời phù hợp. Để làm được việc này, hệ thống phải có khả năng phân tích, nhận diện ngôn ngữ người dùng tự nhiên. Từ các kho dữ liệu thô ban đầu, Aimesoft sẽ tạo ra các thuật toán tự học và hoàn thiện kết quả theo thời gian. Sản phẩm của Aimesoft đã được ứng dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn "xuất khẩu ra thế giới". Ở Nhật Bản, đã có 70 chi nhánh bệnh viện và 30 chi nhánh siêu thị dùng giải pháp lễ tân ảo của Aimesoft. Đồng thời, đơn vị này cũng vừa thành lập văn phòng tại Mỹ. |
Yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của hệ thống hỏi đáp là việc máy tính hiểu được giọng nói, văn bản người dùng nhập vào để đưa ra kết quả tìm kiếm, phản hồi chính xác nhất. |
“Tuy vậy, khó khăn của hệ thống hỏi đáp này là máy tính vẫn chưa tìm được câu trả lời cho những câu hỏi không có thông tin trên Internet. Ví dụ nếu ai đó hỏi Ronaldo có mấy chân? Muốn có câu trả lời, hệ thống buộc phải được đào tạo để hiểu hơn câu hỏi. Đồng thời phải có những thuật toán giúp máy có thể suy luận nhiều bước, suy luận bắt cầu…”, đại diện Aimesoft chia sẻ. |
Bên cạnh đó, sự tin cậy của nguồn dữ liệu được trích xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Có thể câu trả lời sẽ bị thay đổi, thiên vị… Để đưa ra tương tác giống con người nhất có thể, hệ thống hỏi đáp không chỉ phụ thuộc vào giọng nói, chữ viết hay hình ảnh mà phải kết hợp những thể thức này. Trí tuệ nhân tạo đa thể thức sẽ đưa ra quyết định gần giống với con người nhất. |
Nguyễn Quốc Bảo, đại diện Zalo AI Lab, nhận định dữ liệu để đào tạo máy học là phần quan trọng nhất đặc biệt là với công nghệ nhận dạng giọng nói. Chính vì vậy, Zalo AI Lab đã tìm ra cách trích xuất những dữ liệu giọng nói một cách chính xác nhất để đào tạo máy học. Hiện nguồn dữ liệu này đang được áp dụng vào các sản phẩm trong hệ sinh thái Zalo bao gồm Báo Mới (đọc tin tức), Zing MP3 (tìm kiếm bài hát, tự động tạo lời bài hát), Zing TV (tự tạo phụ đề phim), Labankey (nhập chữ bằng giọng nói) và Zalo (chuyển tin nhắn thoại sang chữ viết)... |
Đầu tiên, các chuyên gia sẽ lấy kho dữ liệu giọng nói hội thoại từ các video trên Internet. Sau đó, những dữ liệu này sẽ được lọc qua nhiều thuật toán để cho ra 6.000 giờ đối thoại. Bên cạnh các video đối thoại, các chuyên gia còn trích xuất giọng nói từ các nguồn tin tức chính thống. |
Phần thuyết trình của ông Trần Mạnh Quân, đại diện Viettel Group nêu bật những ứng dụng cụ thể của AI trong việc vận hành, chăm sóc khách hàng của nhà mạng Viettel. Cụ thể, công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp tiết kiệm nhân lực trong việc chăm sóc khách hàng, trả lời cuộc gọi tự động, định danh người dùng… “Có hơn 20% các cuộc hội thoại chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp không được trả lời. Vì vậy công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các đơn vị có nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái chăm sóc khách hàng tốt hơn”, ông Quân chia sẻ. |
Hiện trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng để phục vụ hàng triệu khách hàng của Viettel qua các hình thức như định danh người dùng, social listening, trả lời cuộc gọi tự động, chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo còn được áp dụng vào việc tìm hiểu thói quen khách hàng, từ đó đưa ra các gói cước mới, bám sát như cầu thực tế của người dùng. |
Công ty VVN với đại diện là ông Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ về thành tựu số hóa toàn bộ sách của Nhật Bản chỉ trong thời gian ngắn. Công nghệ này được giới thiệu là tối ưu hơn phương pháp OCR (nhận dạng ký tự quang học) truyền thống. |
Bằng cách so sánh ảnh chụp các gáy sách với các kết quả có trước đó, thời gian và độ chính xác trong việc số hóa tài liệu được cải thiện hơn. Hiện VVN đang là đối tác cung cấp giải pháp eKYC (xác minh giấy tờ điện tử) của nhiều nhà mạng tại Việt Nam như Viettel, Mobifone và nhiều công ty như VinGroup, Vega, Vaymuon, Tima… Hiện đây là giải pháp AI eKYC tốt nhất thị trường với độ chính xác đạt 98%. |
Bên cạnh đó, sự kiện Zalo AI Summit còn bao gồm một cuộc thi hackathon về trí tuệ nhân tạo với 70 đội tham gia, 150 thí sinh với tổng giải thưởng lên đến 80 triệu đồng. Đề bài cuộc thi khá thời sự khi yêu cầu thí sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng đường lưỡi bò phi pháp qua hình ảnh. Từ đó giúp ngăn chặn hình ảnh này xuất hiện trái phép tại Việt Nam. Nhờ giải pháp này, các đơn vị thương mại điện tử có thể phát hiện sớm những sản phẩm vi phạm để loại bỏ mà không cần con người. Chỉ sau 24 giờ tham gia thử thách, các đội đã có thể giải bài toán thực tế này. Kết quả chung cuộc đội AIOZ đã giành chiến thắng với giải thưởng trị giá 30 triệu đồng. |
Ngoài ra, sự kiện cũng là nơi công bố kết quả cuộc thi AI Challenge. BTC đã đưa ra 3 bài toán mang tính thử thách cao, tương ứng với 3 lĩnh vực khác nhau của trí tuệ nhân tạo. Motorbike Generator – xây dựng model để sáng tạo ra những mẫu xe máy mới, Hit Song Prediction – dự đoán ca khúc ăn khách trên bảng xếp hạng âm nhạc, Vietnamese Wikipedia Question Answering – hỏi đáp tiếng Việt. Mỗi đề thi sẽ được cung cấp tập dữ liệu huấn luyện khoảng hơn 10 nghìn mẫu. |
Tổng giải thưởng Zalo AI Challenge 2019 được tăng gấp đôi năm ngoái, lên đến 300 triệu đồng. Đây cũng là điểm hấp dẫn của cuộc thi năm nay. Zalo AI Challenge là sân chơi thường niên, tạo nền tảng ban đầu góp phần giải quyết bài toán lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, làm tiền đề để cộng đồng AI Việt có thể làm được những bài toán AI đẳng cấp thế giới. |