Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Việt Nam có thể bắt kịp làn sóng AI của thế giới

Các khách mời của Zalo AI Summit đều thừa nhận phát triển các sản phẩm tích hợp AI tại Việt Nam còn nhiều thách thức, nhưng những người xuất phát sớm đang nắm lợi thế.

lam the nao de tro thanh ky su AI anh 1

Các khách mời của Zalo AI Summit đều thừa nhận phát triển các sản phẩm tích hợp AI tại Việt Nam còn nhiều thách thức, nhưng những người xuất phát sớm đang nắm lợi thế.

Zalo AI Summit 2018 là lần thứ hai Zalo tổ chức cuộc hội thảo chuyên nghiệp về lĩnh vực AI. Với kinh nghiệm làm việc thực tế tại nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, Nhật và nghiên cứu về AI, những khách mời của hội thảo chia sẻ nhiều kinh nghiệm đáng quý về con đường phát triển và cách tư duy đối với một lĩnh vực còn rất mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Toàn cảnh Zalo AI Summit 2018 Ngày 26/12, Zalo tổ chức sự kiện Zalo AI Summit 2018 tại TP.HCM. Sự kiện có các diễn giả trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang làm việc ở Mỹ và Nhật Bản.

"Hãy là một kỹ sư giỏi và không ngừng học tập"

Zalo AI Summit thu hút sự tham gia của nhiều kỹ sư phần mềm, và một trong những câu hỏi được các kỹ sư trẻ đặt ra là làm thế nào để trở thành người xuất chúng trong lĩnh vực AI.

Ông Nguyễn Thọ Chương, nhà nghiên cứu tại Zalo AI Lab chia sẻ hiện nay có hai hướng phát triển đối với lĩnh vực AI, đó là hướng kỹ sư và nhà nghiên cứu. Thời điểm này những kỹ sư đang có lợi thế lớn, bởi trong lĩnh vực AI hiện tại thực tiễn đang đi trước lý thuyết.

Mọi sản phẩm AI nếu muốn sử dụng được thực tế thì đều phải chạy thử hàng trăm, hàng ngàn lần. Những kỹ sư có kỹ năng giỏi có khả năng áp dụng được mô hình xử lý tốt hơn, do đó sẽ triển khai hệ thống AI được tốt hơn. Do vậy với các kỹ sư làm về máy học, đây là thời điểm rất thuận lợi.

lam the nao de tro thanh ky su AI anh 2Ông Bạch Hưng Nguyên, hiện làm việc tại Phòng nghiên cứu máy học của Alibaba tại Mỹ cũng kể lại kinh nghiệm thực tế từ bản thân mình. Sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ, ông Nguyên cũng đi tìm việc tại nhiều công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, nhưng liên tục nhận cái lắc đầu.

Sau này, khi đã đi làm nhiều năm, ông Nguyên mới nhận ra là khi đó khả năng nghiên cứu, tạo model của mình rất tốt, nhưng kỹ năng lập trình không xuất sắc là rào cản để thực sự làm nên các sản phẩm.

Ngay cả khi đã có kỹ năng, kinh nghiệm, thì việc học hỏi không ngừng cũng là yêu cầu của những người làm AI. Ngay tại phòng nghiên cứu của Alibaba tại Mỹ, các kỹ sư Trung Quốc cũng không ngừng học và áp dụng vào công việc. Do vậy, ông Nguyên cho rằng để trở thành một kỹ sư xuất chúng thì chỉ có thể học hỏi và nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ.

"Để vươn ra thế giới cần phải có tư duy để đi xa"

Làm việc ở các quốc gia có yêu cầu cao về sự riêng tư của người dùng, các khách mời đều cho rằng các công ty Việt Nam nên đặt ra chiến lược lâu dài, chọn cách đi để có thể đi được xa khi muốn vươn ra thị trường thế giới. Chỉ có cách đi đúng đắn mới giúp các công ty tạo được sự tin tưởng từ người dùng.

Tại Nhật Bản, sự tin tưởng của khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất, theo chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Thanh Tùng, hiện làm việc ở Line. Ông Tùng kể lại tôn trọng dữ liệu là một trong những tiêu chí đầu tiên được đội ngũ phát triển trợ lý ảo Line Clova đặt ra khi xây dựng sản phẩm.

Khi đã tạo được sự tin tưởng đối với khách hàng, đây sẽ là một tiêu chí cạnh tranh rất quan trọng của sản phẩm. Đó là một bài học từ Apple, bởi một trong những lợi thế của công ty này chính là niềm tin của người dùng về quyền riêng tư.

Ông Bạch Hưng Nguyên cho rằng các kỹ sư nên tự xây dựng tư duy tôn trọng khách hàng, người dùng. Luật pháp để ràng buộc là yếu tố quan trọng, nhưng chính những kỹ sư cũng luôn phải có suy nghĩ tôn trọng người dùng.

lam the nao de tro thanh ky su AI anh 3

Ở góc độ một nhà nghiên cứu, Phó Giáo sư Nguyễn Lê Minh tại Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST) chia sẻ Explainable AI (XAI) là làn sóng phát triển thứ ba của AI. Khía cạnh quan trọng nhất của XAI chính là làm cho người dùng hiểu được lý do lựa chọn của các hệ thống máy học.

XAI hiện vẫn đang là một lĩnh vực rất mới, nhưng sẽ là yêu cầu trong tương lai của các hệ thống ứng dụng AI. Hiện tại, Mỹ và châu Âu đang ở bước đầu trong việc xây dựng những bộ luật nhằm kiểm soát việc thu thập, sử dụng dữ liệu của người dùng. Ông Minh cho rằng những công ty Việt Nam muốn đặt mục tiêu vươn ra quốc tế phải có chiến lược lâu dài, cách đi làm sao để có thể đi được xa, đi đúng ngay từ đầu.

Công ty bản địa vẫn có lợi thế khi đối đầu với các ông lớn

Đặt tiêu đề cho bài nói của mình là “Góc nhìn từ chiến hào”, ông Nguyên kể lại những kinh nghiệm có được sau hơn 10 năm phát triển sản phẩm ở cả những công ty lớn như Microsoft hay các start up như Textio.

Theo ông Nguyên, điều quan trọng mà ông nhận ra được là luôn phải làm ra sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, và AI chỉ là công cụ để đạt được mục đích đó. Sản phẩm cần đáp ứng yêu cầu của khách hàng, tập trung cải thiện các tiêu chí quan trọng đối với khách hàng, và AI chỉ nên được ứng dụng nếu như nó thực sự làm tăng hiệu quả của sản phẩm.

“Cảnh giới” cao nhất của sản phẩm, theo ông Nguyên, là phải làm việc thật tốt mà khách hàng không cần phải quan tâm nó sử dụng công nghệ gì, có AI hay không.

lam the nao de tro thanh ky su AI anh 4

Ở chủ đề này, ông Tùng cũng có một kinh nghiệm thú vị khi làm việc trong đội ngũ phát triển loa thông minh tích hợp trợ lý ảo Clova. Khác với những sản phẩm loa thông minh của Amazon hay Google, loa của Clova có nhiều kiểu dáng dễ thương như Minion hay Doraemon.

Ngoài ra, đội ngũ phát triển Clova cũng nhấn mạnh vào khía cạnh văn hóa của Nhật Bản để thuyết phục người mua, như các mẫu giọng nói của nhân vật hoạt hình, hay chức năng đọc truyện cổ tích cho trẻ em. Việc khai thác văn hóa bản địa chính là lợi thế của các công ty bản địa khi cạnh tranh với các đối thủ lớn.

Ai đã 'xông vào' AI sớm ở VN sẽ có lợi thế

Bên cạnh việc xác định thế mạnh của những công ty Việt Nam, các diễn giả cũng đồng tình rằng việc phát triển AI rất tốn kém, nhưng vẫn phải đặt ra để giải quyết các bài toán trung, dài hạn. Một trong những hạn chế để phát triển AI tại Việt Nam là nguồn dữ liệu chất lượng cao.

Ông Nguyên chia sẻ việc tìm dữ liệu có thể rất tốn kém, nên đôi khi để cải thiện một sản phẩm cũng phải cân nhắc giữa cải thiện chất lượng dữ liệu hay mô hình.

Theo ông Nguyên, doanh nghiệp cần đầu tư và dành nhiều năm để phát triển sản phẩm mới có thể có được đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, có kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ nhân tạo cao.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Nguyễn Lê Minh cho rằng các nước phát triển đều đã có những chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo rất mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam hiện cũng đã có chiến lược cho phát triển AI.

Sau thời gian tiếp xúc với các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam, ông Minh cũng nhận thấy nhiều công ty đã đầu tư mạnh mẽ để phát triển về AI. Những người đi sớm sẽ có lợi thế, bởi đầu tư vào AI bây giờ là để chuẩn bị cho tương lai 5-10 năm tới.

Ki-Ki và nỗ lực phát triển trợ lý ảo đầu tiên tại Việt Nam

Một năm sau khi thành lập trung tâm nghiên cứu Zalo AI Lab, ông Vương Quang Khải cho biết đến nay Zalo đã hiểu rõ hơn về mục tiêu, khó khăn thách thức và cơ hội đối với công nghệ AI. Trợ lý ảo tích hợp AI Ki-Ki chính là sản phẩm mới nhất từ Zalo AI Lab.

Mục tiêu của Ki-Ki trong thời gian đầu, theo ông Phạm Kim Long, người đứng đầu Zalo AI Lab, là đáp ứng những nhu cầu cơ bản giống như các trợ lý ảo phổ biến. Người dùng có thể ra lệnh cho Ki-Ki thông qua giọng nói, và trợ lý ảo này cũng có thể trả lời thông qua giọng của ba miền Bắc, Trung, Nam khá tự nhiên.

lam the nao de tro thanh ky su AI anh 5

Trước mắt, Ki-Ki của Zalo đã có thể thực hiện các tác vụ cơ bản nhưng rất đặc thù nhờ liên kết với các ứng dụng Việt như Zalo, Baomoi, Zing MP3. Người dùng có thể truy xuất thông tin từ công cụ tìm kiếm, soạn thảo tin nhắn, tìm kiếm, phát nhạc, nhờ Kiki đọc tin tức...

Tuy vậy, Zalo không chỉ dừng lại ở một trợ lý ảo trên smartphone. Thiết bị tiếp theo mà Zalo nhắm tới chính là loa thông minh, một thành phần rất quan trọng trong giai đoạn bùng nổ các thiết bị vạn vật kết nối. Loa thông minh là thiết bị kết nối tất cả các thiết bị thông minh trong nhà, cho phép người dùng ra lệnh điều khiển.

Bên cạnh đó, đây cũng là thiết bị giao tiếp chính với người dùng, là thiết bị gần gũi với khả năng giải đáp câu hỏi, chơi nhạc, hay có thể là kể chuyện cổ tích cho em bé. Theo kinh nghiệm của ông Tùng, trẻ em chính là đối tượng nắm bắt công nghệ nhanh nhất, và cũng là người sử dụng loa thông minh nhiều nhất trong gia đình.

Nhìn thấy xu hướng này, trong thời gian tới trợ lý ảo Ki-Ki cũng sẽ được tích hợp trên loa thông minh. Đại diện của Zalo cho biết sản phẩm loa thông minh đang trong quá trình phát triển, và có thể được giới thiệu trong năm sau.

Việt Nam đã có sản phẩm AI-first

Ngày 26/12, tại sự kiện Zalo AI Summit 2018, Ki-Ki - trợ lý ảo đầu tiên của người Việt cho thấy những tín hiệu lạc quan của ngành AI Việt Nam.

Trợ lý ảo sẽ tạo ra cuộc cách mạng mới như iPhone đã từng làm?

Năm 2007, iPhone ra mắt tạo nên thói quen sử dụng smartphone mới, vuốt và chạm. Ngày nay, công nghệ trợ lý ảo tích hợp trí thông minh nhân tạo hứa hẹn thay đổi thói quen đó.







Anh Lê

Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm