Đoạn video nấu cà ri công gây phẫn nộ. Ảnh: YouTube. |
Video có tiêu đề "Công thức nấu cà ri công truyền thống" được đăng trên kênh YouTube cá nhân “Sri TV”, gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Nói với báo chí địa phương, cảnh sát cho biết YouTuber Kodam Pranay Kumar đã bị bắt hôm 12/8. Anh bị đưa vào tù sau khi cảnh sát xác nhận rằng các video khác trong smartphone đều chứng minh rằng con chim trong video nấu món cà ri thực sự là một con công.
Ở Ấn Độ, chim công (cụ thể là công lam hay công Ấn Độ) được bảo vệ nghiêm ngặt theo luật động vật hoang dã. Theo luật, việc sở hữu hoặc bắt công là bất hợp pháp.
“Anh ta đang ở tù sau 14 ngày tạm giam theo Đạo luật bảo vệ động vật hoang dã. Bây giờ tòa án sẽ quyết định anh ta phải ngồi tù tiếp hay được tại ngoại”, cảnh sát trưởng Akhil Mahajan ở bang Telangana nói.
Các điều tra viên đang cố gắng xác định làm thế nào Kumar có được một con công để nấu ăn trong video. Video này hiện đã bị xóa khỏi kênh YouTube.
Theo Times of India, khi bắt giữ Kodam Pranay Kumar, cảnh sát đã tịch thu cà ri và tìm thấy một số lông gà trong nhà. Pranay nói với các quan chức kiểm lâm rằng anh nấu cà ri gà nhưng lại đăng tải video có tiêu đề “Công thức nấu cà ri chim công theo cách truyền thống” để có thêm lượt xem.
Tuy nhiên, phản ứng khác xa với những gì anh dự đoán.
Hàng loạt cư dân mạng lên án video, tố cáo Kumar khuyến khích tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp và không tôn trọng loài chim làm biểu tượng quốc gia.
Công là loài được bảo vệ trong cả văn hóa lẫn luật pháp Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock. |
Công Ấn Độ có màu sắc rực rỡ, đầu và cổ thường được che phủ bởi một lớp lông màu xanh lam. Loài chim này được tôn sùng trong thần thoại Hindu, thần thoại Hy Lạp và là quốc điểu của Ấn Độ
Ngai vàng của triều đại cầm quyền Mughal của đất nước này còn được gọi là Ngai Công (Peacock Throne) vì có hình những con công được nạm đá quý. Loài chim này tồn tại với số lượng lớn trên khắp các vùng đồng bằng phía bắc Ấn Độ.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong vài thập kỷ gần đây làm mất môi trường sống của chúng, dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng đáng kể trong tự nhiên. Do đó, những hình phạt nghiêm khắc theo luật về động vật hoang dã được đặt ra nhằm bảo vệ chúng khỏi bị con người săn bắn hoặc làm hại.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.