Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Quang Mạnh cho biết nguyên nhân dự án nạo vét 2 bên bờ sông Sào Khê (thuộc tỉnh Ninh Bình) tăng vốn từ 72 tỷ lên gần 2.600 tỷ đồng là do thời gian triển khai kéo dài.
Ngoài ra, dự án điều chỉnh mục tiêu cũng đã làm tăng tổng vốn đầu tư. Theo Thứ trưởng Mạnh, việc kéo dài dự án nạo vét sông Sào Khê cũng có nhiều nguyên nhân.
“Bộ đã yêu cầu tỉnh Ninh Bình báo cáo chi tiết, đầy đủ về dự án. Trên cơ sở báo cáo đó, Bộ mới xem xét có cần thanh tra, kiểm tra hay không, hoặc sẽ làm rõ, đầy đủ thêm”, Thứ trưởng Mạnh nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh. Ảnh: MPI. |
Trong Báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án Sào Khê đã đội vốn tới 36 lần, từ 72 tỷ đồng ban đầu lên gần 2.600 tỷ đồng.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương, dự án nạo vét sông Sào Khê được triển khai trước khi có Luật Đầu tư công vào năm 2001. Ông nhấn mạnh không phải tất cả dự án điều chỉnh đều là sai và mờ ám.
Ông Phương nói ban đầu, mục đích dự án chỉ là nạo vét sông phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Tuy nhiên, sông Sào Khê chảy qua vùng cố đô Hoa Lư, khu vực bến sông Sào Khê chính là nơi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô ra Thăng Long - Hà Nội, cũng là địa chỉ du lịch, nên tỉnh điều chỉnh đầu tư phục vụ cả yêu cầu du lịch, giao thông.
“Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước có cho đầu tư tôn tạo cố đô Hoa Lư. Sông Sào Khê chạy qua di sản văn hóa thế giới Tràng An, là vùng du lịch. Do đó, dự án được điều chỉnh lại với 4 mục tiêu: sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo một bước để Tràng An được công nhận là di sản thế giới, ngoài ra còn phục vụ yêu cầu giao thông, du lịch”, ông Phương trình bày.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình nói nguồn vốn của dự án không phải toàn bộ từ ngân sách Nhà nước. Ngân sách chỉ bỏ ra 1.400 tỷ đồng. Còn lại là từ doanh nghiệp và các nguồn khác phục vụ phát triển du lịch của địa phương.
Tuy nhiên, dự án đội vốn này đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trước Quốc hội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng dự án đầu tư mà đội vốn tới 36 lần, từ 72 tỷ lên gần 2.600 tỷ thì "có nghĩa là không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực, làm gánh nặng cho nền kinh tế".
Dự án nạo vét sông Sào Khê đã đội vốn lên tới 36 lần. Ảnh: Việt Linh - Phạm Thắng. |
Trong khi Ninh Bình đang có số nợ đọng 5.900 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Ngân sách chỉ có thể bố trí 2.000 tỷ đồng, còn khoảng 3.900 tỷ đồng không biết lấy nguồn đâu để bố trí. Đại biểu TP.HCM đề nghị cần thanh tra lại dự án, xem đâu là khách quan, đâu là chủ quan.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì cho rằng nói dự án Sào Khê là một ví dụ điển hình về hội chứng lãng phí.
Đại biểu này cho rằng cần phải thương người dân Tây Bắc không có cơm ăn, phải di dân, chuyển chỗ ở. Các đoạn đường ở vùng Tây Bắc, Tây Nam rất khó khăn, thiếu đường ứa nước mắt, thì phải xem xét lại những dự án đầu tư đội vốn lãng phí.
Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt và triển khai từ năm 2001 với tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Tháng 12/2009, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành quyết định phê duyệt lại dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê với tổng mức đầu tư là hơn 2.595 tỷ đồng. Dù được phê duyệt và điều chỉnh tăng mức đầu tư từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng và sau hơn 17 năm thi công, dự án này vẫn dang dở.