EVN cho DN vay với lãi suất trên dưới 2%/năm, sau đó vay lại của chính DN với lãi suất khoảng 17%/năm. Ảnh: Như Ý |
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Ngô Văn Khánh xác nhận, Thủ tướng đã đồng ý với kết luận và kiến nghị của TTCP về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Yêu cầu xử lý tài chính hơn 100 tỷ đồng
Trước đó, tại kết luận được ban hành vào tháng 9/2013, TTCP đã chỉ ra điểm bất hợp lý khi Bộ Công Thương, EVN đã mang chi phí xây dựng nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư, bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền hơn 595 tỷ đồng tính vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện, và số tiền này được tính vào giá bán điện.
TTCP cho rằng, việc làm trên của EVN vi phạm các quy định của Chính phủ. Không chỉ vậy, Cty mẹ EVN còn hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011 tại các dự án trên với số tiền hơn 223 tỷ đồng.
Theo đó, TTCP đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí (gần 600 tỷ đồng) xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 2/2014.
TTCP cho hay, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính xử lý số tiền hơn 107 tỷ đồng do chi phí cho dự án 90 Lý Thường Kiệt nhưng EVN TPHCM hạch toán vào giá thành điện không đúng quy định, chi vượt định mức tiêu hao, lãng phí do EVN SPC dừng đầu tư 7 dự án. Đồng thời xử lý 3,1 tỷ đồng do thẩm định tiền lương Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc EVN năm 2010 trái chỉ đạo của Thủ tướng và số tiền hơn 5,2 tỷ đồng mua ô tô vượt mức.
Mặt khác, TTCP cũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương ban hành khung giá điện và khung giá bán buôn điện.
EVN trần tình việc cho vay lãi thấp, vay lại lãi cao
Tham dự buổi họp báo, Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, thừa nhận có hiện tượng EVN cho Nhiệt điện Phả Lại vay vốn lãi suất thấp nhưng sau đó lại vay lại của doanh nghiệp này với lãi suất cao hơn nhiều lần.
Cụ thể, trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy Phả Lại 2 thuộc Nhiệt điện Phả Lại, EVN đã cho doanh nghiệp này vay tổng cộng 300 triệu USD với lãi suất trên dưới 2%/năm. Nguồn gốc khoản tiền cho vay này là do Chính phủ vay vốn ODA Nhật Bản với lãi suất khoảng 1,8%-2%/năm và được trả bằng đồng yen, sau đó cho EVN vay lại thông qua bộ Tài chính.
Sau đó, EVN vay lại của Nhiệt điện Phả Lại 2.350 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án nguồn điện với lãi suất bằng vay các ngân hàng thương mại, khoảng 17%/năm.
Giải thích về khoản vay “bất thường” trên, ông Tri nói: Trước đây Nhiệt điện Phả Lại trực thuộc EVN sau đó chuyển thành Cty cổ phần và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vào thời điểm Nhiệt điện Phả Lại hỏi vay, EVN đã đề nghị Bộ Tài chính cho vay trực tiếp nhưng được trả lời phải thông qua EVN vì là đầu mối quản lý về sản xuất điện.
Mặt khác, thời gian trả nợ kéo dài, khoảng 20 năm, nên khi dư vốn họ được quyền gửi ngân hàng lấy lãi suất hoặc cho các doanh nghiệp khác vay theo thỏa thuận.
“Gốc của vấn đề là trong quá trình cổ phần hóa đã tạo ra những pháp nhân mới. Khi thành Cty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán có rất nhiều cổ đông là các tổ chức cá nhân đầu tư tài chính, kể cả quốc tế thì họ không chấp nhận huy động lãi suất thấp mà phải theo thỏa thuận. Mà thỏa thuận thì phải lấy theo mức lãi suất ngân hàng. Vì vậy việc EVN cho vay và vay lại của Nhiệt điện Phả Lại là không trái với quy định pháp luật”, ông Tri khẳng định.