Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất tương ứng ở khu vực lân cận của dự án khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ tại các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ; khu vực lân cận thuộc quận Nam Từ Liêm và các khu vực khác trên địa bàn thành phố để xây dựng nhà ở xã hội. Thành phố tổ chức lập dự án để đầu tư hoặc huy động các nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch trên.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Nội bố trí đủ quỹ đất, sử dụng khoản tiền thu được từ quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Ảnh: Huy Nguyễn. |
Hà Nội cũng phải làm rõ về quy hoạch và bố trí quỹ đất cho các dự án trước đây chưa bố trí, dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2017.
Ngoài ra, thành phố phải sử dụng khoản tiền thu được từ quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Phó thủ tướng đồng ý với đề xuất cho phép nhà đầu tư được nộp bằng tiền theo giá đất đối với quỹ nhà ở xã hội tại dự án khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, dự án khu chức năng đô thị tại 233 - 233B - 235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.
Nhưng ông yêu cầu việc nộp tiền sử dụng đất phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45. Giá đất xác định theo cơ chế thị trường trên cơ sở mục đích sử dụng đất của dự án được phê duyệt tại thời điểm nộp tiền theo quy định.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do Thủ tướng chủ trì, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho hay đến hết tháng 11/2016, Hà Nội có 36 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với gần 1.336.000 m2 sàn xây dựng, giải quyết chỗ ở cho 11.800 hộ gia đình.
Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội có 40 dự án triển khai, với khoảng 3.288.277 m2 sàn xây dựng nhà ở, trong đó có 6 dự án nhà ở công nhân. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp không ít khó khăn.
Đơn cử, quy định dành 20% diện tích đất ở tại các dự án nhà ở thương mại (quy mô trên 10 ha) để phát triển nhà ở xã hội đã tạo ra các khu nhà ở xã hội nằm rải rác trong dự án thương mại, gây áp lực về quy mô dân số (do diện tích căn hộ nhỏ); phát sinh bất cập trong quản lý và thu phí dịch vụ của khu đô thị; tạo ra một khu đô thị có chất lượng không đồng đều.
Mặt khác, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của chủ đầu tư nên tiến độ thực hiện thường chậm.
Ngoài ra, do không thu tiền sử dụng đất, giá bán nhà bị khống chế nên tại một số dự án nhà ở xã hội có lợi thế về vị trí, giá nhà ở xã hội chênh lệch lớn so với nhà ở thương mại cùng khu vực, gây phức tạp trong bán nhà, quản lý đối tượng mua nhà.