Theo Nghị quyết của Chính phủ vừa được ban hành, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát vẫn là nhiệm vụ lớn.
Giảm mặt bằng lãi suất
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Việc này nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong năm nay. Ảnh: V.D. |
Cùng với đó, chất lượng tín dụng phải được nâng cao. Cơ cấu tín dụng được điều chỉnh tập trung vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm, nhất là các khoản cho vay trung và dài hạn trong năm nay. Cùng với đó, cơ quan điều hành cũng cần quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng. Lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ cần được nghiên cứu.
Nhân rộng khoán xe công
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nhân rộng khoán xe công trong quý II. Ảnh: H.H. |
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Muốn vậy, Bộ phải hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách Nhà nước, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội. Mua sắm ôtô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành trung ương và địa phương cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Bộ sớm trình các chính sách để nhân rộng khoán xe công trong quý II tới.
"Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên đã có trong dự toán đến ngày 30/6 nhưng chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng quyết định", Nghị quyết nêu rõ.
Trước đó, Bộ Tài chính đã khoán kinh phí xe cho 6 thứ trưởng. Bộ cũng đã phát đi thông báo yêu cầu các đơn vị thành viên do mình đại diện chủ sở hữu như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tập đoàn Bảo Việt… thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công.