Yêu cầu DOC xét lại thuế cá tra
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ bất bình trước việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đột ngột thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam, đồng thời phản đối việc mức thuế tăng quá cao.
Trong thông cáo báo chí ngày 16/3, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ bất bình trước việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đột ngột thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam, đồng thời phản đối việc mức thuế tăng quá cao. VASEP cho biết sẽ cùng các doanh nghiệp cá tra Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành cá tra thông qua những hoạt động pháp lý cần thiết để yêu cầu DOC sửa lại quyết định cuối cùng trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 của vụ kiện theo luật pháp Mỹ cũng như các thỏa thuận của WTO.
Với phán quyết của DOC, người nuôi cá tra Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. |
Không căn cứ giá thực tế
Trong quyết định cuối cùng, DOC căn cứ vào một nghiên cứu về giá của chính phủ Indonesia để tính toán giá cá tra sống nguyên con, nguyên liệu để chế biến cá tra phi lê. VASEP cho rằng nghiên cứu này không căn cứ vào giá thực tế mà chỉ dựa vào giá trung bình của cả nước được tính toán từ số liệu của một vài địa phương, dẫn đến chênh lệch lớn về giá.
Tại các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính. Hơn nữa, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng phi lê cá tra đông lạnh chủ yếu từ Việt Nam mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới. Bản thân DOC cũng tuyên bố Indonesia không có bối cảnh kinh tế tương đương với Việt Nam trong hầu hết thời gian xem xét hành chính nhưng sau đó lại không chấp nhận Việt Nam dùng thông tin trên để phản đối. DOC đưa ra lập luận rất vô lý rằng “đây là thông tin mới”.
Trong 8 năm liên tiếp gần đây, DOC luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam, thậm chí vẫn tiếp tục áp dụng chính sách hợp lý này trong đợt xem xét các nhà xuất khẩu mới được công bố cách đây vài tuần. Một lãnh đạo VASEP cho hay phán quyết của DOC ảnh hưởng lớn tới quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ nên VASEP sẽ yêu cầu DOC xem xét lại và nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế.
Có thể khởi kiện
Chiều 16/3, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nói Việt Nam sẽ chính thức đề nghị DOC xem xét lại các quyết định cho công bằng. Tuy nhiên ông cho biết: “Chúng ta kháng cáo thì cứ kháng cáo để họ xem xét thôi nhưng hy vọng thắng thì chắc là không có” song cũng còn một hy vọng nữa là có thể khởi kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế để đề nghị hoãn áp dụng mức thuế này cho đến khi vụ kiện kết thúc.
Đối với các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ như An Phu Seafood Corp, Docifish, Godaco, bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 1,37 - 3,74 USD/kg, theo ông Tuấn, không thể nào có cơ hội bước chân vào thị trường Mỹ; các doanh nghiệp bị áp mức thuế từ 0,77 - 2,11 USD/kg cũng rất khó để tiếp tục tham gia thị trường này.
Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, về mặt pháp lý, Mỹ có quyền lựa chọn nước thứ 3 trong quá trình điều tra, phía Việt Nam chỉ có thể đấu tranh để lựa chọn quốc gia nào tương đồng và có lợi nhất, luật sư bảo vệ cần đưa ra những nguyên tắc và những tính toán chi phí đầu vào cụ thể để chứng minh việc Mỹ chọn Indonesia là không hợp lý.
Nguy cơ bỏ nghề Giá cá tra ở ĐBSCL đang chỉ còn 21.000 - 21.500 đồng/kg. Hiện ĐBSCL có khoảng 6.000 ha cá tra với tổng sản lượng từ 1-1,2 triệu tấn (chiếm khoảng 95% sản lượng cả nước). Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề và Chế biến cá tra xuất khẩu An Giang, phán quyết của Mỹ sẽ góp phần làm cho người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam đứng trước nguy cơ bỏ nghề vì không còn vốn sản xuất. Kiên trì giải trình, vận động “Việc Bộ Thương mại Mỹ đột ngột thay đổi nước thứ 3 là Indonesia để áp thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra, cá basa đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam là một hành động bất công, rất đáng lo ngại. Điều này bắt nguồn từ việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Việc áp dụng một nước như Indonesia để đối chứng thực sự là không có căn cứ. Tôi thật sự lo ngại vì điều này sẽ làm sụt giảm sản lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ. Phía doanh nghiệp cũng như hiệp hội tiếp tục theo kiện, nỗ lực kiên trì giải trình, đồng thời vận động hậu trường, nhờ sự trợ giúp của các bên nhập khẩu để có đồng minh đứng về phía mình, quan trọng là vận động giải trình trước công luận”, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp. |
Theo Người Lao Động