Thuế cá tra Việt vào Mỹ tăng hơn 25 lần
Với mức thuế mới, rất có khả năng không doanh nghiệp nào của Việt Nam có thể xuất khẩu được vào Mỹ, đồng nghĩa với việc mất đi thị trường này.
Ngày 14/3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2010 đến 31/7/2011.
Không kịp trở tay
Chỉ trước đây sáu tháng, trong phán quyết sơ bộ của DOC, các doanh nghiệp là bị đơn đều có mức thuế chống bán phá giá là 0%. Do đó, kết quả chính thức vừa được DOC đưa ra khiến các doanh nghiệp Việt Nam bất ngờ và choáng váng. Do đây là kết quả cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam có ít cơ hội để lật ngược tình thế như POR7. Việc xuất khẩu vào Mỹ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
So với kết quả POR7, hai công ty bị tác động nặng nề nhất là công ty cồ phần Vĩnh Hoàn và Anvifish. Trong đó, Anvifish có mức thuế tăng từ 0,03 USD/kg lên 1,34 USD/kg (44,6 lần), Vĩnh Hoàn sau ba lần POR liên tiếp có mức thuế chống bán phá giá bằng 0 USD/kg nay tăng lên 0,19 USD/kg. Các bị đơn còn lại có mức thuế là 0,77 USD/kg, tăng 25,6 lần so với mức thuế của POR7. Ngoài ra, ba bị đơn mới trong đợt xem xét lần này cũng có mức thuế rất cao từ 1,37-3,87 USD/kg.
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tính phương án thay đổi kế hoạch kinh doanh vì luật thuế mới. |
Do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên trong quá trình điều tra chống bán phá giá cá tra, Mỹ thường chọn nước thứ ba thay thế để làm cơ sở so sánh yếu tố chi phí đầu vào. Trong đợt xem xét sơ bộ, DOC chọn Bangladesh (quốc gia có nền kinh tế tương đương Việt Nam) làm quốc gia thay thế nên các doanh nghiệp có mức thuế chống bán phá giá rất thấp. Nhưng ở kết quả chính thức, DOC lại chọn Indonesia làm quốc gia thay thế. Trong khi mọi yếu tố đầu vào nuôi cá tra của Indonesia đều cao do đây không phải là ngành thế mạnh của họ. Trong khi giá thành nuôi cá tra ở Việt Nam thấp hơn nhiều vì Việt Nam có nền thâm canh sản xuất cá tra.
Đây không phải là lần đầu tiên DOC thay đổi quốc gia thay thế trong một lần POR. Trong đợt POR7, ban đầu DOC chọn Philippines nên mức thuế mà các doanh nghiệp phải chịu ở mức 0,56 USD/kg. Ngay khi nhận được kết quả sơ bộ của DOC, các doanh nghiệp Việt Nam đã thuê luật sư để phản đối và DOC đã lấy số liệu từ Bangladesh. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá giảm 18 lần xuống còn 0-0,03 USD/kg. “Thế nhưng lần này DOC làm ngược lại, ban đầu chọn Bangladesh rồi lại thay bằng Indonesia khiến các doanh nghiệp Việt Nam không kịp trở tay” - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết. Phán quyết chính thức đã được DOC đưa ra và các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có một tuần để tính toán xem các con số mà DOC sử dụng có đúng hay không.
Sẽ ngưng xuất khẩu vào Mỹ?
Vừa xuất khẩu được vài lô hàng vào Mỹ, công ty cổ phần Gò Đàng (Godaco) đã phải chịu mức thuế suất quá cao là 1,81 USD/kg. Nhận được thông tin từ DOC, công ty này lập tức chuyển hướng kế hoạch kinh doanh trong năm 2013. “Chúng tôi phải ngưng xuất khẩu vào Mỹ ngay để tập trung vào thị trường truyền thống là EU chứ mức thuế này sao chịu nổi”, ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Godaco, cho biết.
Không dễ dàng chuyển hướng như Godaco, những công ty nhiều năm liền xuất khẩu sang Mỹ và xem đây là thị trường quan trọng đang ở vào tình thế cực kỳ khó khăn. Khi DOC công bố kết quả chính thức của POR8 lên Công báo Liên bang Mỹ vào đầu tuần tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ sẽ phải chịu mức ký quỹ bằng mức thuế họ phải chịu, chưa kể phải đóng bù mức thuế chênh lệch cho những lô hàng đã xuất khẩu trong giai đoạn 1/8/2010 đến 31/7/2011. “Với mức thuế chống bán phá giá mới này, các doanh nghiệp không thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ”, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
Theo VASEP, trong năm 2012 Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam (sau EU) với kim ngạch hơn 358 triệu USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá quá cao không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ mà sẽ gây tác động tiêu cực với các thị trường khác cũng như ngành nuôi cá tra trong nước. “Không bán được sang Mỹ thì các doanh nghiệp sẽ phải bán sang EU, Trung Đông... Các đối tác tại thị trường khác sẽ có cơ hội để ép giá cá tra xuống nữa”, ông Đạo nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, không phải tất cả công ty đều ngưng xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian tới do mức thuế cao. Bởi vì vẫn có một số công ty đang phải chịu mức thuế suất thấp 0-0,03 USD/kg nhưng lại không xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn điều tra nói trên. Như vậy theo luật, họ sẽ không bị áp mức thuế suất mới của POR8 mà được giữ mức thuế cũ. “Hiện có khoảng tám doanh nghiệp thuộc dạng này”, ông Hòe cho biết. Cũng theo ông Hòe, do đây là kết quả chính thức của DOC nên Việt Nam chỉ còn cách kiện Mỹ ra Tòa án thương mại quốc tế Mỹ mới có khả năng thay đổi được kết quả.
Theo Thanh Niên