Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng, phê duyệt về danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn hết năm 2020 đến khi Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt danh mục mới giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, danh sách, kế hoạch sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, số doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn gồm 120 doanh nghiệp.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020 gồm Tổng công ty CP Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP và Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cùng thuộc Bộ Xây dựng.
Nếu không hoàn thành thoái vốn trước ngày 30/11/2020, các doanh nghiệp này phải được chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020.
Vietnam Airlines là 1 trong 18 doanh nghiệp thuộc danh mục có vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể. Ảnh: Hoàng Hà. |
Quyết định số 908 cũng nêu danh sách 18 doanh nghiệp thuộc danh mục có vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể, gồm Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex và Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cùng thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam - VEAM thuộc Bộ Công Thương; hay Công ty CP Khách sạn du lịch Thắng Lợi do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý…
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 11 tháng từ đầu năm 2020, các doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 105 doanh nghiệp theo danh mục tại Quyết định số 1232 và Quyết định số 908 với giá trị thoái là 6.500 tỷ (đạt 11% kế hoạch), thu về 13.600 tỷ đồng.
Số thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc danh mục trên là 3.800 tỷ đồng theo mệnh giá, thu về 110.400 tỷ đồng (gồm 109.960 tỷ từ thoái vốn Sabeco).
Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thực hiện thoái gần 17.000 tỷ đồng, thu về khoảng 53.000 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với 37/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch (đạt 28,9%). Số còn phải cổ phần hóa theo kế hoạch là 91 doanh nghiệp (tương ứng 71,1%).