Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre với nội dung phản ánh tuyến quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiêm có lưu lượng giao thông lớn, không được phân làn dẫn đến không đảm bảo an toàn giao thông.
Sau khi nắm phản ánh, Bộ GTVT đã gửi văn bản cho Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty BOT cầu Rạch Miễu yêu cầu xử lý.
Theo Bộ GTVT, đoạn tuyến tránh quốc lộ 60 từ nút giao quốc lộ 60 cũ đến cầu Cổ Chiên thuộc dự án BOT cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Liên quan đến việc tuyến đường này có tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, hư hỏng mặt đường và hệ thống thoát nước gây mất an toàn, Bộ cho biết trách nhiệm xử lý được quy định trong hợp đồng BOT.
Cầu Rạch Miễu nằm trên trục quốc lộ 60 thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu chủ trì, phối hợp Cục Đường bộ và cơ quan quản lý đường bộ ở địa phương kiểm tra hiện trường, báo cáo cụ thể tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên đoạn đường này.
Đồng thời, doanh nghiệp BOT phải xây dựng phương án xử lý theo trách nhiệm và thẩm quyền, dự kiến tiến độ thực hiện các nội dung mà cử tri tỉnh Bến Tre nêu..
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên được thực hiện theo hình thức BOT do Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1.752 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài 22,38 km. Điểm đầu tại nút giao thông Tân Thạch (xã An Khánh, huyện Châu Thành), điểm cuối tiếp giáp với đường dẫn vào cầu Cổ Chiên.
Từ khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường đã tạo thuận lợi cho địa phương phát triển, giúp việc lưu thông giữa Bến Tre, Trà Vinh với các tỉnh và TP.HCM được rút ngắn so với trước.
Tuy nhiên, lưu lượng giao thông trên tuyến đường này tăng rất nhanh. Hiện nay, tuyến tránh quốc lộ 60 đoạn từ điểm giao quốc lộ 60 cũ đến cầu Cổ Chiên chưa được phân làn, dẫn đến việc không đảm bảo an toàn giao thông.
Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu với cầu Cổ Chiên. Ảnh: Google Maps. |
Sách hay về Nam Bộ
Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.
Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang - nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại chân thực, mộc mạc. Sách không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.