Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu đã đưa ra hàng loạt yêu cầu về tài chính với những nền kinh tế phát triển nhất để bù đắp thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra tại các nước kém phát triển. Trong số các yêu cầu bao gồm việc đánh thuế vào lượng nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ và ngành hàng không.
Theo Guardian, những yêu cầu trên là một phần của bản đề xuất được các quốc gia đang phát triển đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) và sẽ được đưa ra thảo luận trong phiên tiếp theo của cơ quan này, dự kiến diễn ra trong một vài ngày tới.
Việc bồi thường và khắc phục những thiệt hại gây ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi khi đàm phán các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu.
Bản đề xuất bao gồm việc áp thuế trên toàn cầu đối với ngành hàng không và vận tải đường biển, những ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Ảnh: Shutterstock. |
Trong bản đề xuất, các quốc gia đang phát triển yêu cầu thiết lập các loại thuế áp dụng trên toàn cầu về biến đổi khí hậu nhằm khắc phục những thiệt hại gây ra bởi tình trạng này tại các nước đang phát triển.
Các loại thuế được đề xuất bao gồm thuế phát thải khí nhà kính, thuế hàng không, phí tiêu thụ nhiên liệu có lượng khí thải lớn được áp dụng cho tàu thuyền. Trong đó, điểm tích cực và hạn chế của mỗi loại thuế và phí trên đều được nêu ra trong tài liệu.
Bên cạnh đó, tài liệu cũng nêu ra các giải pháp thay thế cho những quốc gia phát triển như thành lập các quỹ khắc phục thiệt hại biến đổi khí hậu tại các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Tuy đã đồng ý thiết lập các cơ chế bồi thường thiệt hại gây ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021 nhưng trong bối cảnh phải chịu ảnh hưởng từ tình trạng giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, các quốc gia phát triển được dự báo sẽ không đồng tình với các đề xuất trên.
Những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu như tình trạng nóng lên toàn cầu được dự báo sẽ gây ra những thiệt hại lớn hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển trong những năm tới.
Theo một báo cáo được quốc đảo Antigua và Barbuda đệ trình lên Liên Hợp Quốc, tình trạng nước biển dâng và nhiệt độ tăng cao tại khu vực Caribe có thể tạo ra một trận siêu bão trong những năm tới. Thiệt hại mà Antigua và Barbuda phải hứng chịu từ cơn bão trên theo ước tính có thể lên tới hơn 9 tỷ USD, gấp 6 lần GDP của nước này.
"Chúng tôi xứng đáng được sống mà không phải lo lắng về những khoản nợ và sự tàn phá gây ra bởi biến đổi khí hậu. Đất nước của chúng tôi đang phải hứng chịu hậu quả của một cuộc khủng hoảng mà chúng tôi không gây ra. Việc thành lập một quỹ toàn cầu nhằm khắc phục hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu là rất cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Những tác động của biến đổi khí hậu lên Antigua và Barbuda đang trở nên tồi tệ hơn theo từng năm", Đại sứ Antigua và Barbuda tại Liên Hợp Quốc Walton Webson cho biết.