Yến sào ‘gãy cánh’ vì khủng hoảng kinh tế
Hàng mấy chục năm nay, xuất khẩu yến sào mỗi năm đã mang về cho Hội An (Quảng Nam) nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Nhưng năm nay, nguồn thu ngân sách của thành phố Hội An xem ra không có yến sào…
Với Quảng Nam, một thời gian dài nguồn thu từ xuất khẩu lâm đặc sản như quế, gỗ và yến sào. Nay những mặt hàng chiến lược ấy đã không còn hoặc yến sào bị tồn kho không xuất được.
Vì sao yến sào, mặt hàng xuất khẩu chiến lược của thành phố cổ này trong mấy chục năm qua được xem là mũi nhọn kinh tế thì nay lại lâm vào tình cảnh tồn kho hơn nửa tấn, với giá trị khoảng hơn 70 tỷ đồng. Đó là một nguồn thu ngân sách không nhỏ với một địa phương nghèo như Quảng Nam.
Theo các DN kinh doanh hiện nay, sở dĩ yến sào, một mặt hàng xuất khẩu quí hiếm và đã có thương hiệu trên thế giới từ rất lâu nhưng vẫn trong cảnh ế ẩm không xuất bán được là do khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu. Sản phẩm yến sào của Hội An từ trước đến nay chỉ xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, gần đây thị trường Trung Quốc cũng rất hút hàng. Nhưng do suy giảm kinh tế, giới nhà giàu của các quốc gia này đang thắt chặt chi tiêu. Nên mặt hàng yến sào có giá khá đắt đỏ bị vạ lây.
Mặc dù yến sào đã đưa vào thực đơn của các nhà hàng nhưng do giá quá đắt đỏ nên nhiều nhà hàng phải đóng cửa không thể bán được. |
Một lãnh đạo Hội An cho biết, yến sào được khai thác hàng năm chỉ sơ chế rồi xuất khẩu thô sáng các thị trường mà chưa chế biến sâu để tạo sản phẩm có giá trị cao để xuất khẩu. Từ nhiều năm trước nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Nhưng năm nay thì không bán được mà tồn kho hơn 600 kg với tổng trị giá hơn 70 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP - khẳng định tại cuộc làm việc với Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam thừa nhận yến sào Hội An năm nay không xuất khẩu được và đang tồn kho hơn 600 kg.
Hơn nửa tấn yến sào đang tồn kho |
Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An - cho biết, nguyên nhân khiến sản phẩm yến sào địa phương bị tồn kho là do ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nên sức tiêu thụ yến sào cũng bị chậm lại.
Mặt khác, các đối tác cho biết hàng yến sào họ mua trước đó vẫn chưa tiêu thụ hết nên họ không mua thêm.
Điều đáng quan tâm, theo ông Bay cho biết, thời gian gần đây Trung Quốc lập hàng rào phi thuế quan kiểm soát, siết chặt việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc khai thác từ biển đảo. Thậm chí có lệnh cấm quan chức trong nước sử dụng các mặt hàng xa xỉ. Đó là những nguyên nhân gây khó khăn cho việc tiêu thụ yến sào của Hội An nói riêng và cả nước nói chung.
Để bảo quản lượng yến sào tồn kho, trước mắt Hội An đã trang bị máy hút chân không nhằm bảo quản tốt nhất chất lượng của yến sào chờ tìm thị trường xuất bán.
Để kích cầu xuất khẩu lượng yến sào tồn kho này, theo ông Trương Văn Bay là nên áp dụng phương thức giảm giá theo khối lượng khách hàng mua. Đồng thời đẩy mạnh việc bán lẻ yến sào cho khách hàng nội địa có nhu cầu.
Ngoài những biện pháp kích cầu giảm giá, bán lẻ cho khách hàng nội địa, Hội An đã thử nghiệm chế biến yến sào thành món ăn phục vụ khách du lịch như chế biến món chè yến sào với mức giá 180.000 đồng/chén. Thậm chí đưa vào thực đơn tại các nhà hàng. Nhưng do giá yến sào quá cao, nên du khách vẫn không dám đụng đến.
Với mức giá bán sau khi chế biến đã thu hút được du khách trong và ngoài nước. Nhưng với khối lượng yến sào tồn kho hơn 600kg thì không thể chế biến để tiêu thụ hết.
Theo Vietnamnet