Yến sào bước vào cuộc chiến sống còn
Thị trường kinh doanh yến sào đang phân hóa mạnh, buộc các thương hiệu hoặc đầu tư mạnh hơn, hoặc biến mất.
Sau khi bắt tay với VinaCapital và được công ty này đầu tư 7,5 triệu USD, Yến Việt đã có những bước chuyển hướng rõ rệt thông qua việc thay đổi diện mạo công ty bằng một chiến dịch truyền thông, quảng bá thương hiệu khá rầm rộ. Theo ông Võ Thái Lâm, Tổng giám đốc Yến Việt, sau chiến lược quảng bá thương hiệu, để thực hiện mục tiêu đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2015 và xây dựng thương hiệu Yến Việt có tầm ở khu vực, Yến Việt tiếp tục tái cấu trúc hệ thống quản trị doanh nghiệp, thống nhất các ngành hàng, xây dựng thương hiệu chuyên biệt, làm mới hệ thống marketing và phân phối thông qua việc triển khai các cửa hàng cung cấp thức ăn nhanh từ ổ yến như cháo, súp, chè nằm gần các bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM.
Cũng theo ông Lâm, với mục tiêu từ nay đến năm 2015, hệ thống phân phối phải trải rộng khắp 3 miền và vươn ra ra thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hong Kong, Singapore... Yến Việt đã đầu tư thêm 60 tỷ đồng để nâng công suất chế biến lên 10 triệu lọ yến và dự kiến đến năm 2015 đạt 28 triệu lọ.
Sự kiện VinaCapital rót vốn vào Yến Việt khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xa xỉ này buộc phải chạy đua |
Trong khi đó, một doanh nghiệp kinh doanh yến lớn nhất nhì hiện nay là Yến sào Khánh Hòa cũng vừa xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào tại huyện Diên Khánh với công suất 30 triệu sản phẩm/năm và nhà máy nước giải khát cao cấp yến sào tại thành phố Cam Ranh với công suất 50 triệu sản phẩm/năm. Theo ông Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Yến sào Khánh Hòa, công ty tiếp tục làm mới bằng việc đa dạng hóa sản phẩm yến sào và các sản phẩm dinh dưỡng có bổ sung yến như bánh, yaourt... Yến sào Khánh Hòa đã xuất khẩu lô sản phẩm đầu tiên của nhà máy sang thị trường Úc với 200.000 sản phẩm. Trong thời gian tới, nhà máy tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu ra các thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phân hóa ở đỉnh cao
Trên thế giới, thị trường các sản phẩm liên quan đến yến đạt doanh thu từ 6 đến 7 tỷ USD/năm cùng tốc độ tăng trưởng 7,2%/năm. Tại Việt Nam, mấy năm gần đây, nuôi yến đã trở thành một phong trào lan rộng cả nước, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu yến như Yến Việt, Hoàng Yến, Thiên Hoàng, yến sào Khánh Hòa, Bảo Ngọc... Yến Việt có 18 nhà nuôi yến từ Phú Yên đến Cà Mau, năng suất khai thác bình quân 2 tấn/năm và nhà máy chế biến yến sào tại Cụm công nghiệp Thành Hải (Phan Rang) với công suất 5 triệu sản phẩm/năm.
Nhà máy có tổng vốn đầu tư 4 triệu USD, đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2. Sự đầu tư quá lớn như Yến Việt hay Yến sào Khánh Hòa đã đẩy những thương hiệu nhỏ khác vào thế yếu, hoặc phải đầu tư lớn hơn hoặc mất dần chỗ đứng trên thị trường. Theo ông Đỗ Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú Lộc, sở hữu thương hiệu Yến Cung Đình, để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty cũng đang triển khai dự án nhà yến khoảng 2.000m2 tại tỉnh Bình Phước.
Thị trường yến sào Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, doanh thu của Yến sào Khánh Hòa đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 46%, Yến Cung Đình tăng 25%, Hoàng Yến tăng 20%... Tuy nhiên, những đầu tư quy mô lớn của Yến Việt và Yến sào Khánh Hòa buộc các doanh nghiệp khác phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Ông Lê Danh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Chấn Hưng sở hữu thương hiệu yến sào Hoàng Yến không giấu giếm khi lý giải việc thay đổi mô hình kinh doanh: "Do thực lực không đấu nổi với các thương hiệu lớn nên chúng tôi chọn mô hình tự bán lẻ. Hiện nay, sản lượng thu hoạch tổ yến thô với quy mô công nghiệp của chúng tôi ngày càng tăng. Điều này không những giúp giảm giá bán trong khi lợi nhuận tăng đáng kể do không phải đi mua nguyên liệu từ bên ngoài, mà còn giúp khép kín toàn bộ quy trình kiểm soát chất lượng từ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bán lẻ và phục vụ tại nhà hàng. Hiện chúng tôi tự đầu tư và quản lý 10 showroom và 4 nhà hàng".
Mặc dù lợi nhuận vẫn đang rất tốt nhưng đứng trước sự cạnh tranh gia tăng từ hàng trăm công ty yến sào trong cả nước và sự hạn chế của nhãn hiệu tiếng Việt khi mở rộng ra thị trường nước ngoài, Chấn Hưng đã quyết định tái cơ cấu toàn bộ doanh nghiệp trên bốn lĩnh vực: Thay đổi tên công ty và thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và danh mục ngành hàng. Để rút ngắn thời gian xây dựng thương hiệu mới và những thủ tục khi đăng ký thương hiệu ra nước ngoài, Chấn Hưng đã mua lại một công ty của Malaysia với đầy đủ tên thương hiệu tiếng Anh đã được đăng ký, công thức chế biến một số sản phẩm và dây chuyền sản xuất.
Theo Doanh Nhân