Ngày 3/3, Công ty CPTĐ Yeah1 gửi đi thông báo về việc YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với đơn vị này từ sau ngày 31/3.
Theo Tập đoàn Cổ phần Yeah1 (YGC), sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube.
Việc này khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.
Sau khi thông tin trên được công bố, cộng đồng những người làm YouTube tại Việt Nam không lấy làm bất ngờ. Họ cho rằng đây là hậu quả của một loại dịch vụ "ngoài luồng". Đó là dịch vụ "bật kiếm tiền" cho các kênh YouTube mới thành lập, muốn đi lên nhanh bằng nội dung kém chất lượng hoặc giật gân.
Dịch vụ "qua mặt" YouTube giá 60 triệu đồng
"Dịch vụ bật kiếm tiền cũng cả nửa năm nay rồi", tài khoản Facebook Biên Thanh bình luận và cho rằng đây là hậu quả xứng đáng cho việc kiểm duyệt kênh lỏng lẻo.
Nói với Zing.vn, Quốc Bằng, người làm kênh YouTube lâu năm tại TP.HCM, một kênh YouTube đủ 1.000 người đăng ký, 4.000 giờ xem video và nội dung phù hợp sẽ được bật kiếm tiền từ quảng cáo Google Adsense.
Nếu không đạt được thỏa thuận với YouTube sau ngày 31/1, Yeah1 Network sẽ không thể hoạt động quản lý kênh nữa. |
Tuy vậy, với những người làm nội dung YouTube "bẩn" (nội dung nhảm, độc hại), không đủ điều kiện thường sẽ không được xét duyệt bật kiếm tiền từ YouTube. Chính vì vậy, "dịch vụ bật kiếm tiền" ra đời.
"Các kênh không đủ điều kiện nội dung sẽ được cho vào network. Điều này giúp kênh có uy tín với YouTube và dễ dàng được YouTube xét duyệt kiếm tiền hơn", Bằng nói.
Sau khi đã bật kiếm tiền, network sẽ ngừng liên kết với kênh (đá kênh). Lúc này, network sẽ không chịu trách nhiệm quản lý nội dung của kênh nữa. Đồng thời, kênh đã được kích hoạt khả năng kiếm tiền sẽ tiếp tục "ăn nên làm ra" dù nội dung tệ hại, miễn là có đông người xem.
"Giá cho dịch vụ này từ 10-60 triệu đồng/kênh tùy quy mô và mức độ vi phạm nội dung của kênh", Bằng nói thêm.
YouTube phó thác kiểm duyệt cho network kiểu Yeah1
Trên thực tế, network sinh ra với nhiệm vụ thay YouTube kiểm duyệt nội dung, quản lý hoạt động của các kênh. Chính vì vậy, kênh khi vào network sẽ được YouTube tín nhiệm, bật kiếm tiền dễ dàng hơn.
Với những chủ kênh YouTube, network như Yeah1 có vai trò như một người bảo vệ, nâng đỡ, giải quyết các khiếu nại về bản quyền, được hỗ trợ phân phối trên nhiều nền tảng, sử dụng kho bản quyền chung... Đổi lại, cái giá mà chủ kênh phải trả cho network là 10-40% lợi nhuận.
Theo rất nhiều chủ kênh trong một nhóm kín chuyên kiếm tiền từ YouTube, từ ngày 4/3, hàng loạt kênh YouTube bật kiếm tiền qua dịch vụ đã bị YouTube truy quét dẫn tới mất kênh.
Các "YouTuber" cho rằng dịch vụ bật kiếm tiền đã dẫn đến việc YouTube ngừng hợp tác với Yeah1. |
"Tối qua đến nay đã mất 5 kênh bật kiếm tiền qua dịch vụ. YouTube đang quét như vậy chứng tỏ họ biết Yeah1 đang làm gì", Tài Hoàng, người làm YouTube từng sử dụng dịch vụ bật kiếm tiền để vào network của Yeah1 cho biết.
Rất nhiều trong số đó thuộc network SpringMe, một công ty con thuộc Tập đoàn Cổ phần Yeah1.
"Trước kia bật kiếm tiền qua network SpringMe. Hóa ra nó là của trùm cuối Yeah1", tài khoản Facebook Đặng Đông bình luận. Nhiều người cho rằng không đơn giản vì sai phạm của một công ty con khiến toàn bộ ba network lớn của Yeah1 chịu thiệt hại.
Hiện phía Yeah1 chưa có câu trả lời chính thức cho cái gọi là "dịch vụ bật kiếm tiền" trên. Những lời tố cáo Yeah1 chủ yếu đến từ những chủ kênh YouTube tại Việt Nam.
Vốn hóa Yeah1 bốc hơi 1.000 tỷ đồng
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi thông báo được gửi đi, cổ phiếu YGC với mã YEG giảm 6,89% so với ngày 1/3. Đà giảm kịch biên độ của YEG cũng khiến vốn hóa của Yeah1 giảm hơn 500 tỷ đồng. Hiện tại, với 31,28 triệu cổ phiếu đang niêm yết (tương đương vốn điều lệ gần 312,8 tỷ đồng), định giá thị trường của Yeah1 đang vào khoảng 7.500 tỷ.
Sáng nay (5/3), ngay khi thị trường mở giao dịch, YEG đã giảm thêm 15.900 đồng/cổ phiếu, tương đương 7% thị giá so với giá ngày hôm qua.
Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ sau sự cố bị YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31/3 đối với các công ty có có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Với việc chỉ còn giao dịch ở mức giá 212.000 đồng, vùng giá thấp nhất trong nửa năm qua, cổ phiếu này đã giảm 33.000 đồng chỉ sau 2 ngày. Vốn hóa của doanh nghiệp cũng đã “bốc hơi” trên 1.000 tỷ đồng sau thông tin liên quan sự cố lần này.
Zing.vn đang liên hệ với YouTube để có câu trả lời về trường hợp của Yeah1 Network cũng như cách mà nền tảng này xử lý network nếu có dấu hiệu sai phạm về mặt nội dung. Nếu YouTube không giải quyết việc này, Yeah1 Network sẽ không thể quản lý toàn bộ các kênh YouTube đang liên kết với công ty.