Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lan truyền clip game kinh dị Momo không phải chỉ gỡ là xong'

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, quản lý nội dung số cần có sự chủ động, dùng truyền thông là công cụ chính.

Trào lưu các game có nội dung bạo lực, đe dọa trẻ em, hướng dẫn trẻ em cách tự sát đang lan truyền trên các mạng xã hội YouTube và Facebook như game Thử thách Momo, lợn Peppa bạo lực... khiến nhiều bậc phụ huynh rất lo ngại, vì nếu không ngăn chặn sớm thì hậu quả nặng nề chắc chắn sẽ đến với trẻ em Việt Nam.

lan truyen clip momo anh 1
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông. Ảnh: VietTimes

Câu hỏi đặt ra là có phải công cụ chặn lọc các nội dung xấu, ảnh hưởng không tốt tới trẻ em của các mạng xã hội chưa hiệu quả, dẫn đến việc còn bỏ lọt nhiều nội dung nguy hiểm hay không? Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho rằng, đúng là các nền tảng (platform) hiện tại chưa có công cụ lọc tự động (bằng trí tuệ nhân tạo) để chặn lọc được các hình ảnh mang tính rùng rợn và gây sốc kiểu này, mới chỉ có công cụ chặn được một số nội dung như sex, hoặc các nội dung vi phạm bản quyền.

Từ hạn chế này có hai vấn đề ngắn hạn và dài hạn rất cần quan tâm để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trước mắt, sau khi nhận được lượng report (báo cáo) số lượng lớn từ người dùng, nền tảng YouTube đã chặn nội dung này. Nhưng làn sóng lan truyền trên mạng xã hội mang tính toàn cầu nên đã lan truyền sang các nền tảng mạng xã hội như Facebook.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, việc các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam yêu cầu mạng xã hội gỡ, chặn cũng không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Mà trước mắt chỉ có cách chủ động tuyên truyền, hướng dẫn trong các trường học và phụ huynh cảnh giác để bảo vệ trẻ em, học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cục Bảo vệ trẻ em cần ngay lập tức có một công văn thông báo trên toàn hệ thống giao dục để cảnh báo. Các cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước như VTV1, VOV cần phải được yêu cầu cảnh báo, truyền thông điệp mạnh mẽ trong công đồng.

Về dài hạn, phải có một hệ thống tham gia bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Cục Bảo vệ trẻ em cần có một bộ phận chuyên trách cho vấn đề an toàn mạng (nhiều nước đã có hẳn một cơ quan riêng). Cơ quan này làm nhiệm vụ phản ứng nhanh với những trường hợp đe dọa an toàn người dùng, rồi hướng dẫn quy chuẩn an toàn, quy trình phản ứng và xử lý của các cơ quan nhà nước với các trường hợp đe dọa an toàn đó.

lan truyen clip momo anh 2
Clip game Momo lan truyền chóng mặt từ YouTube đến mạng Facebook.

Đối với các mạng xã hội, phải hoàn thiện các công cụ chặn và lọc nội dung tiêu cực, về mặt pháp lý các quốc gia đều yêu cầu ngăn chặn những nội dung có ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Nhưng trên thực tế các mạng xã hội chỉ lọc bằng hai cách: Lọc bằng thủ công, con người kiểm duyệt nội dung và chặn; Cách 2 là dùng trí tuệ nhân tạo lọc tự động, các mạng xã hội đang chạy đua để phát triển công cụ này.

“Nội dung số giờ là toàn cầu, xu hướng tìm kiếm người dùng lan theo trend từ nước này sang nước kia. Do đó, quản lý nội dung số cần có sự chủ động, dùng truyền thông là công cụ chính, chứ không phải cơ quan nhà nước chỉ ra lệnh gỡ là xong là giải quyết được vấn đề, không phải gỡ xong là không còn lo lắng gì nữa. Truyền thông cần phải được sư dụng làm công cụ chính đối với mục tiêu bảo vệ người dùng Internet, bảo vệ trẻ em Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.

Trẻ em hoảng loạn vì Momo, người lớn vất vả ngăn chặn Đã có ít nhất 2 vụ tự sát được cho là có liên quan đến thử thách Momo. Chuyên gia tâm lý Emma Kenny sẽ hướng dẫn cách bảo vệ con trẻ trước cạm bẫy mang tên Momo Challenge.


https://ictnews.vn/internet/xa-hoi/vien-nghien-cuu-chinh-sach-va-phat-trien-truyen-thong-lan-truyen-clip-game-kinh-di-momo-khong-phai-chi-go-la-xong-179681.ict

Khôi Nguyên/ICT News

Bạn có thể quan tâm