“Máu ở khắp nơi”, bà Romina, một trong số gần 20.000 y tá người Philippines đang sinh sống và làm việc tại Vương quốc Anh nói với Straits Times về công việc của mình. Vào tháng 3, khi đại dịch Covid-19 tấn công nước Anh, hơn 10 giường bệnh tại khoa nhi mà bà Romina đang làm việc đã được cách ly cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Ở thời điểm đó, đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 40.000 người và lây nhiễm gần 1 triệu người kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến ngày 26/5, gần 36.000 đã chết ở Vương quốc Anh, trong đó có ít nhất 29 y tá người Philippines.
Cuộc sống trong cô độc
Bà Romina, 50 tuổi, người yêu cầu không cung cấp tên thật, vì bệnh viện nơi bà làm việc không cho phép trả lời phỏng vấn với báo chí, nói rằng bà biết một trong những y tá Philippines đã tử vong vì Covid-19.
“20 năm trước, tôi nhớ cô ấy từng phục vụ thức ăn cho chúng tôi khi lần đầu tới làm việc tại bệnh viện”, bà Romina nói. Đối với những y tá người Philippines, đa số họ đều ở cửa tử thần, họ sống một mình. Nhiều người đã chết mà không bao giờ được chạm vào, thậm chí là nhìn thấy bạn đời, con cái hoặc anh chị em của họ. Những người đồng hương xa lạ như bà Romina là người đến nắm tay khi họ trút hơi thở cuối cùng.
Một phụ nữ Philippines 54 tuổi khác làm giúp việc ở London hơn 20 năm. Bà ấy chưa bao giờ kết hôn. Gia đình duy nhất của bà là cô cháu gái mà bà đã nuôi nó ăn học. Tại thời điểm bà nhiễm virus, cô cháu gái đang làm việc ở Bahrain.
Philippines là quốc gia đào tạo và xuất khẩu y tá lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Bà Romina nhớ lại rằng bà đã cầm điện thoại đưa lên tai cho người phụ nữ, bên kia là cô cháu gái. “Cháu gái của bà ấy cứ khóc, cô ấy cầu xin tôi hãy giúp đỡ dì của mình. Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi đã làm mọi thứ có thể, bà ấy đã chết sau cuộc điện thoại”, bà Romina kể lại.
Bà Romina sau đó phải tìm đến một góc yên tĩnh, ngồi khóc: “Tôi nghĩ rằng mình đã có một trái tim bằng đá”, bà nói.
Phần lớn bệnh nhân Covid-19 của bà đều phải thở máy. Họ ở trong những căn phòng nóng bức, điều hòa không khí không thể sử dụng, quạt máy lại càng không được phép để giảm thiểu nguy cơ không khí chứa virus lan sang các phòng khác.
“Nó chẳng khác gì ở trong địa ngục”, bà Romina nói. Mọi thứ không chỉ dừng lại ở căn phòng nóng bức. Bà Romina cũng như các nhân viên y tế khác phải đeo khẩu trang, mặc áo quần bảo hộ, kính che mặt và mũ trùm đầu. Họ phải mặc thứ này trong 3 giờ, 3 lần mỗi ngày. Họ được nghỉ 45 phút giữa giờ để ăn và giải tỏa.
Bà Romina từng mặc đồ bảo hộ trong 7 giờ liên tục. Tuy vậy, bà vẫn cảm thấy mình may mắn. Bệnh viện nơi bà làm việc cung cấp thiết bị bảo hộ đầy đủ cho nhân viên, qua đó giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Nhưng nhiều y tá Philippines ở các bệnh viện khác không may mắn như thế, rất nhiều người làm việc trong điều kiện thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân khiến họ rất dễ nhiễm bệnh. Donald Suelto, 51 tuổi, đã không đeo khẩu trang hay tấm che mặt khi chăm sóc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hammersmith ở phía tây London, người này đã ho vào mặt ông ấy vào ngày 25/3.
Ba ngày sau ông được xác định dương tính với Covid-19. Đến ngày 7/4, cảnh sát tìm thấy thi thể ông ấy trong căn hộ của mình, ông đã chết một mình.
Từ thiên đường đến địa ngục
Đó là một phần câu chuyện về y tá Philippines, không chỉ ở Anh mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
ProPublica, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, báo cáo rằng ít nhất 30 y tá người Philippines đã chết ở vùng New York và New Jersey, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Mỹ.
Thu nhập thấp, công việc thường xuyên đối mặt với nguy hiểm là những gì mà các y tá Philippines phải chịu đựng. Ảnh: Getty. |
Các số liệu thống kê cho thấy, cứ 4 người Philippines ở Mỹ, thì có một người làm việc trong lĩnh vực y tế. Trong nhiều bệnh viện khác ở Đức, Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản và Singapore, các y tá người Philippines đang làm việc ở tuyến đầu. Họ thường là những nhân viên y tế đầu tiên nhiễm bệnh.
Đây là cái giá mà Philippines đang phải trả cho chính sách nhập cư hàng thế kỷ đã biến quốc gia này trở thành nơi xuất khẩu y tá lớn nhất thế giới. Người Mỹ đã xây dựng hàng trăm trường điều dưỡng ở Philippines.
Mục đích là tạo ra một số lượng lớn y tá người Philippines để giúp Mỹ đối phó với bệnh dịch tả và sốt rét. Điều đó đã tạo ra làn sóng di cư sang Mỹ. Điều dưỡng trở thành con đường dẫn đến “thiên đường” cho hàng chục nghìn người nghèo và trung lưu ở Philippines, một lối thoát khỏi sự bất ổn chính trị và thoát khỏi sự nghèo đói ở quê nhà.
Một thống kê vào năm 2017 cho thấy, những người nhập cư từ Philippines chiếm 28% trong số 512.000 người nhập cư làm việc trong lĩnh vực y tá ở Mỹ. Philippines đã đào tạo khoảng 26.000 y tá mỗi năm trong giai đoạn 2012-2016, trong đó, 18.500 y tá ra làm việc ở nước ngoài mỗi năm ở cùng thời kỳ.
Thu nhập cao gấp 5 lần mức cao nhất ở trong nước, đặc biệt là ở Mỹ và Saudi Arabia chính là sức hút đối với các y tá người Philippines. Nhưng thiên đường mà họ đang hướng đến hóa ra lại là những công việc mà các y tá người Mỹ không muốn làm.
Một số ít người may mắn tìm được công việc với thu nhập cao, phúc lợi tốt, nhưng phần lớn phải làm những công việc nặng nhọc, bẩn thỉu và họ gần như không có lựa chọn khác.
Dù là nguồn cung y tá lớn nhất thế giới, tuy nhiên, những y tá Philippines vốn bị định giá thấp, điều đó khiến mức lương và điều kiện làm việc của họ thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp người châu Âu.