Chẳng nhiều người Philippines còn sống có ký ức về Cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ 20, đại dịch có quy mô toàn cầu tương tự như đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện tại. Nhưng với nhiều người Philippines, cách chính quyền Manila đối phó với đại dịch hiện nay làm sống lại ký ức về thời kỳ nhà độc tài Ferdinand Marcos, theo SCMP.
Ký ức thời kỳ thời Marcos quay lại
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á đã lên tới hơn 8.000, quân đội Philippines được triển khai khắp các con phố của vùng đô thị Manila, hình ảnh khiến nhiều người nhớ lại những gì từng xảy ra dưới thời kỳ độc tài quân sự năm 1972.
"Đây là lần đầu tiên (kể từ thời điểm đó), tôi có thể nhìn thấy quân đội trang bị tận răng khắp nơi, cùng với xe thiết giáp chở quân", Vergel Santos, cựu chủ bút tờ Business World, người từng ngồi tù 26 năm vì xuất bản bài viết chỉ trích nhà độc tài Marcos, cho biết.
Santos cho biết có những điểm tương tự trong cách ông từng bị đối xử dưới thời Marcos, với cách Tổng thống Duterte đang sử dụng để chống lại những tiếng nói chỉ trích.
Xe thiết giáp được triển khai ở thủ đô Manila. Ảnh: AFP. |
Người đàn ông từng ngồi tù 26 năm đề cập tới việc Văn phòng Tổng thống Philippines từng tìm cách bổ sung điều khoản cho phép Tổng thống nắm quyền kiểm soát các đài truyền hình trong Đạo luật Quyền lực khẩn cấp, bước đi bị Thượng viện Philippines sau đó ngăn chặn.
"Ông ấy (Tổng thống Duterte) đã tìm cách ban bố tình trạng thiết quân luật nhưng chưa có cơ hội phù hợp cho tới lúc này. Ông ta cần một tình huống khẩn cấp, và đương nhiên, sự chấp thuận của một lực lượng có tiếng nói quyết định, đó là quân đội. Tới lúc này ông ấy vẫn chưa làm được điều đó", Santos nhận xét.
Những người chỉ trích cho rằng Tổng thống Duterte đang lợi dụng tình hình đại dịch để áp đặt chương trình nghị sự riêng của mình, theo chân nhà độc tài Marcos.
Tương đồng giữa Duterte và Marcos
Trong quá khứ, ông Marcos đã bí mật thành lập một chính quyền bán quân sự có tên "Rolex 12", lên kế hoạch ban bố tình trạng thiết quân luật. Cái tên "Rolex 12" được cho là xuất phát từ việc Marcos đã tặng cho các thành viên của nhóm này đồng hồ siêu sang Rolex.
"Nếu nhìn vào các cơ quan chính phủ đứng đầu cuộc chiến chống đại dịch hiện nay, dễ dàng thấy tất cả đều được điều hành bởi các cựu tướng lĩnh, ngoại trừ Bộ Y tế", Santos nói.
Những quan chức đứng đầu các cơ quan tham gia cuộc chiến chống đại dịch của Philippines bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, cựu tư lệnh lục quân, Bộ trưởng An sinh xã hội Rolando Bautista, cựu tướng lĩnh lục quân, Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Ricardo Jalad, cựu tướng lĩnh quân đội, Bộ trưởng Thông tin và công nghệ Gregorio Honasan, cựu quan chức cơ quan an ninh dưới thời Marcos.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano, Cố vấn tổng thống Carlito Galvez và Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon, tất cả đều là tướng quân đội nghỉ hưu.
Hôm 27/4, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Harry Roque đã lên tiếng chế nhạo sự so sánh giữa chính quyền Tổng thống Duterte với thời kỳ độc tài Marcos là "nực cười". Ông Roque bác bỏ cáo buộc Manila đang khai thác cuộc khủng hoảng y tế, đồng thời khẳng định bước đi của chính quyền đương nhiệm là "hợp hiến".
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte hôm 24/4 cảnh báo chính quyền "có thể ban bố thiết quân luật và sẽ không lùi bước" nếu tiếp tục xảy ra các vụ giết người do lực lượng phiến quân New People's Army tiếp diễn.
Quân đội Philippines được điều động để giám sát áp dụng lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP. |
Jose Maria Sison, người sáng lập tổ chức phiến quân, là một trong những tiếng nói chỉ trích cáo buộc Lực lượng phản ứng chống Covid-19 do Tổng thống Duterte thành lập "tương tự với Rolex 12" của nhà độc tài Marcos.
Ông Sison từng bị lực lượng an ninh thời Marcos áp dụng các biện pháp tra tấn như trấn nước. Người thành lập New People's Army cho rằng Lực lượng phản ứng chống Covid-19 của Philippines đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị được Tổng thống Duterte thành lập năm 2019 để truy quét tổ chức phiến quân.
Hôm 19/4, cảnh sát đã bắt giữ 6 thành viên của nhóm cánh tả Anakpawis khi đang vận chuyển hàng cứu trợ, với cáo buộc vi phạm quy định phong tỏa và mang theo "tài liệu tuyên truyền" chống chính quyền Tổng thống Duterte.
"Tổng thống Duterte đang sử dụng lực lượng chống Covid-19 để thiết lập trên thực tế một chế độ quân sự dưới danh nghĩa chống virus corona, và để dọn đường ban bố chính thức tình trạng thiết quân luật cũng như áp dụng toàn diện mô hình độc tài quân sự theo kiểu Marcos", ông Sison cáo buộc.
Sẽ thiết quân luật hạn chế?
Chính quyền Manila đã gọi cáo buộc của ông Sison là hoang tưởng. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc viếng thăm các doanh trại quân đội, Tổng thống Duterte đã liên tục bóng gió với các binh sĩ về việc, trong trường hợp bất trắc xảy ra, tổng thống đương nhiệm nên được thay thế bởi một chính quyền quân sự.
Earl Parraeno, ủy viên hội đồng điều hành Viện Cải cách chính trị và bầu cử Philippines, cho rằng lời đe dọa của tổng thống mang ý nghĩa ông Duterte có ý định ban bố thiết quân luật tại các khu vực nơi tổ chức phiến quân New People's Army hoạt động, hay thậm chí áp đặt phạm vi toàn quốc, để bảo đảm duy trì quyền lực.
Ông Parreno cho rằng kịch bản thứ nhất, với tình trạng thiết quân luật được áp dụng giới hạn tại một số khu vực có hoạt động của phiến quân, có thể sẽ xảy ra.
"Ông ấy mệt mỏi, bên cạnh đó quân đội cũng không ủng hộ thiết quân luật toàn quốc", Parreno nói, đồng thời cho rằng Tổng thống Duterte đã học được bài học từ cái điều hành đất nước sai lầm của Marcos.
Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: AFP. |
Một quan chức quân sự giấu tên Philippines cho biết Tổng thống Duterte đã "thất vọng" khi đe dọa ban bố thiết quân luật, bởi phiến quân đã bắn chết 15 binh sĩ chính phủ bất chấp lệnh ngừng bắn. Quan chức này tỏ ý nghi ngờ khả Philippines thiết quân luật trên toàn quốc, cho rằng tình trạng thiết quân luật sẽ chỉ được ban bố tại các vùng căn cứ phiến quân.
"Làm thế nào ông ấy có thể ban bố thiết quân luật nếu nghĩ rằng người dân không ủng hộ? Đã có một thời gian trong lịch sử khi lực lượng vũ trang bị coi là công cụ trong tình trạng thiết quân luật. Điều đó đương nhiên đã khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực", quan chức quân sự nói.
Quan chức quân sự khẳng định quân đội Philippines là lực lượng chuyên nghiệp, không thể bị lợi dụng làm công cụ chính trị, và sẽ "luôn tôn trọng nền dân chủ".
Mặc dù vậy, một tài liệu rò rỉ tử không quân Philippines hôm 17/4 đã gây ra nhiều tranh cãi, khi nhắc tới "phát ngôn mới nhất của Tổng thống Duterte về vai trò của cảnh sát và quân đội trong tình trạng thiết quân luật".