"Sóng thần" Covid-19 đang nhấn chìm quốc gia Nam Á với những kỷ lục về số ca nhiễm và số ca tử vong liên tục được thiết lập trong suốt hơn một tuần qua.
Các nhân viên y tế luôn là đội ngũ đi đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19 nhằm đối phó với thách thức, khó khăn mà đại dịch gây ra. Trang BBC đã trích toàn bộ câu chuyện đầy cảm động của y tá Viveki Kapoor, nhân viên y tế tại bệnh viện ở tâm dịch New Delhi, Ấn Độ về việc Covid-19 đã thay đổi cuộc đời cô một cách đau đớn.
"Mỗi khi bệnh nhân qua đời, tôi thấy tim mình như bị nghiền nát"
“Tôi hiện là y tá trưởng phụ trách phòng chăm sóc đặc biệt ICU khu bệnh Covid-19 tại một bệnh viện tư nhân ở thủ đô New Delhi. Tôi nhận giám sát công việc của 25 y tá khác. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, nhiều nhân viên trong bệnh viện đã xin nghỉ việc. Họ nói rằng lương quá thấp, không đáng để họ mạo hiểm mạng sống vì điều này.
Khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập tới, như bao bệnh viện khác ở New Delhi, mỗi ngày phòng bệnh của chúng tôi đều chật kín. Khối lượng công việc của đội ngũ y bác sĩ tăng gấp năm lần. Tất cả y tá phải làm thêm giờ. Chúng tôi đến bệnh viện đúng giờ, nhưng luôn phải tan ca muộn.
Làm việc trong ngành y tế đã 22 năm, trải qua các thảm họa thiên tai với hàng loạt bệnh nhân phải cấp cứu, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì kinh khủng như lúc này. Cuối ngày, tôi mệt rã rời và cảm tưởng chỉ cần nhắm mắt là tôi có thể ngủ ngay mà chẳng cần đến giường nữa.
Y tá Viveki Kapoor và đồng nghiệp tại bệnh viện ở New Delhi. Ảnh: BBC. |
Điều dưỡng là một trong những nghề cao quý nhất trên đời. Đó là lý do tại Ấn Độ, bệnh nhân lúc nào cũng gọi chúng tôi là “chị”. Họ coi chúng tôi như là gia đình của họ vậy. Người đầu tiên họ gặp khi vào bệnh viện là y tá, do đó cứ thế, giữa bệnh nhân và y tá hình thành một mối quan hệ đặc biệt.
Những bệnh nhân khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 thường rất sợ. Chúng tôi luôn cố gắng và động viên họ.
Tôi kể cho họ nghe câu chuyện về sư tử và nai. Con nai tuy chạy nhanh hơn, nhưng sư tử vẫn bắt được nó vì nó vấp ngã khi sợ hãi. Tôi an ủi bệnh nhân bằng các suy nghĩ tích cực. Nếu bạn bỏ cuộc và suy nghĩ tiêu cực, con virus sẽ chiến thắng.
Do số lượng bệnh nhân lớn, chúng tôi không thể đến ngay khi người bệnh cần. Ban đầu, họ phàn nàn rất nhiều. Nhưng bây giờ họ đã thấu hiểu và hợp tác với chúng tôi hơn. Họ biết chúng tôi đang làm việc chăm chỉ. Đôi khi, họ còn hỏi chúng tôi về bữa trưa và nói chúng tôi hãy nghỉ ngơi để uống nước.
Trong đợt dịch đầu tiên, chúng tôi hầu như chỉ tiếp nhận người lớn tuổi. Tuy nhiên, “cơn bão” Covid-19 thứ hai này đã khiến rất nhiều người trẻ mắc bệnh. Điều này làm tôi rất buồn.
Đội ngũ y bác sĩ luôn cố gắng hết sức để cứu giúp bệnh nhân cho dù chỉ còn một tia hy vọng. Mỗi khi có một bệnh nhân hồi phục, tôi vui không diễn tả nổi vì cảm thấy bản thân mình có ích và nỗ lực của tôi cuối cùng cũng được đền đáp.
Tuy nhiên, mỗi khi một bệnh nhân qua đời, tôi thấy tim mình như bị nghiền nát. Tôi đặc biệt day dứt với cái chết của những người trẻ tuổi.
Mới đây, bố của bạn con gái tôi qua đời ở tuổi còn trẻ. Tôi đau lòng lắm, nhưng tôi có thể làm gì đây ngoài an ủi gia đình anh ấy?
Tuần trước, 25 bệnh nhân đã tử vong do thiếu hụt oxy. Tôi đã vô cùng tức giận và cảm giác bất lực tràn ngập trong tôi.
Bác sĩ và y tá trở thành người thân chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: BBC. |
Tôi luôn tự hào là một người Ấn Độ, nhưng tôi đau đớn khi chứng kiến những gì đang xảy.
Thắp thêm một ngọn đèn
Covid-19 không chỉ biến công việc của tôi thành khủng hoảng mà ngay cả công việc cá nhân của tôi cũng biến thành một mớ hỗn độn.
Chồng tôi, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện nhà nước, đã bị ốm hai tuần qua nên một mình tôi phải xoay xở công việc nhà, chăm sóc ba đứa con của chúng tôi. Không chỉ vậy, tôi còn rất lo lắng cho người mẹ 90 tuổi mắc Covid-19 và phải thở máy tại một bệnh viện ở thị trấn Mathura.
Nhưng kỳ diệu thay, mẹ tôi đã bình phục nhanh chóng và sắp trở về nhà. Bạn có tin được không, một cụ già 90 tuổi đánh bại được con virus chết người này? Tôi nghĩ thượng đế đã ban cho tôi một phần thưởng vô giá đền đáp lại những gì tôi đã làm cho các bệnh nhân khác.
Chính tình yêu thương của gia đình và hàng xóm đã giúp tôi không bỏ cuộc. Họ lo lắng cho tôi, họ cũng hiểu rằng những gì chúng tôi đang làm là quan trọng. Họ nói: "Chúng tôi sợ hãi “gặp” virus corona tới nỗi chẳng dám bước ra khỏi nhà, vậy mà cô phải ra ngoài mỗi ngày để “gặp” nó”.
Một người hàng xóm có nói với tôi rằng mỗi ngày vào lúc chạng vạng, bà đều thắp một ngọn đèn đất sét để cầu cho gia đình được sống lâu. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bà đã thắp thêm một ngọn đèn nữa để cầu nguyện sự an lành sẽ đến với tôi.
Chính những điều nhỏ nhoi và đơn giản đó làm cho công việc và cuộc sống của tôi trở nên thật đáng giá”.