Chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam có duyên nợ với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại tới ít nhất 2 lần.
Theo kế hoạch, phía Việt Nam sẽ nhận bàn giao kỹ thuật tàu ngầm Kilo đầu tiên mang tên Hà Nội vào ngày 7/11/2013, đúng dịp kỷ niệm 96 năm ngày Cách mạng Tháng Mười thành công.
Không chỉ vậy, tên gọi chính thức của tàu ngầm lớp Kilo là Varshavyanka, trùng tên một ca khúc cách mạng sôi nổi trong những ngày Cách mạng Tháng Mười lịch sử - theo lý giải của các chuyên gia của trang mạng Global Security.
Varshavyanka là kết quả của việc chuyển từ ký tự Kiril sang ký tự La-tinh của từ Варшавянка trong tiếng Nga, nghĩa là “Hành khúc Vác-xa-va” hay “cô gái Vác-xa-va”. (Nếu phiên âm trực tiếp theo tiếng Anh, tên của bài hát sẽ được viết là “Warszawianka”). Ở Việt Nam, một thời kỳ ca khúc này được biết đến với tên gọi là “Hành khúc Vác-xô-vi”.
Hành khúc Vác-xa-va (bản tiếng Nga). |
Một số ý kiến khác cho rằng, sở dĩ Liên Xô lấy “Varshavyanka” đặt tên cho tàu ngầm lớp này là vì mục đích ban đầu của đề án là thiết kế, chế tạo các tàu ngầm xuất khẩu cho các thành viên thuộc Khối quân sự Vác-xa-va (Warsaw).
Thực tế, trong toàn khối Vác-xa-va chỉ có 2 nước ngoài Liên Xô từng biên chế tàu ngầm loại này là Ba Lan và Rumani. Trong khi đó, các khách hàng đặt mua tàu ngầm Kilo nhiều nhất lại là các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và rất có thể trong tương lai Thái Lan, Indonesia cũng đặt mua.
Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào và gọi kiểu gì, một điều không thể phủ nhận là cái tên Varshavyanka liên quan đến từ gốc là Vác-xa-va, thủ đô của Ba Lan. Thế nhưng, Vác-xa-va và Ba Lan liên quan gì tới Cách mạng Tháng Mười?
Thực tế, trước khi giai đoạn Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, Ba Lan ngày nay có một phần lãnh thổ thuộc Đế quốc Nga trong đó có Thủ đô Vác-xa-va. Trong cao trào cách mạng dân chủ ở nước Nga quân chủ năm 1905-1907, “Hành khúc Vác-xa-va” đã trở thành lời hiệu triệu cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản toàn Đế quốc Nga, không phân biệt quốc gia, dân tộc.
Tuy cuộc Cách mạng 1905 không giành được thắng lợi cuối cùng nhưng tinh thần đấu tranh thể hiện qua bài hát “Hành khúc Vác-xa-va” nhanh chóng lan tỏa trên toàn thế giới. Ca khúc được phổ lời mới bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... Trong số đó, bản tiếng Nga là nổi tiếng nhất vì đã gắn liền với cao trào cách mạng vô sản năm 1917 mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Mười Nga.
Hành khúc Vác-xa-va (bản tiếng Đức). Bản này được sử dụng như một hành khúc của Quân đội Nhân dân Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức. |
Hành khúc Vác-xa-va (bản tiếng Anh). |
Sau này, khi viết bản giao hưởng số 11 kỷ niệm cuộc Cách mạng dân chủ 1905, nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng của Liên Xô là D. Shostakovich đã khéo léo đưa nhạc điệu của “Hành khúc Vác-xa-va” vào đoạn cao trào trong tác phẩm.
Nhạc điệu Hành khúc Vác-xa-va được sử dụng trong Chương 4, bản Giao hưởng số 11 của nhà soạn nhạc D. Shostakovich. |
Mười năm sau Cách mạng Tháng Mười, bản giao hưởng số 11 và số 12 (kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười 1917) của Shostakovich được đạo diễn Sergei M. Eisenstein sử dụng làm nhạc nền cho bộ phim “Tháng Mười – 10 ngày rung chuyển thế giới”.
Hành khúc Vác-xa-va (bản tiếng Nga) với hình ảnh minh họa từ ảnh tư liệu, tranh cổ động và các bộ phim về Cách mạng Nga như Chiến hạm Potemkin, Tháng Mười... |
Lê Nin từng nói: “Cuộc tổng diễn tập 1905 không diễn ra thì lịch sử cũng không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười 1917”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười soi sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người đứng lên đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc”.
Nếu không có Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, chắc hẳn Việt Nam sẽ không có Cách mạng Tháng Tám 1945, đánh dấu lần đâu tiên nhân dân một nước thuộc địa nửa phong kiến giành được độc lập, tự do, thành lập nhà nước công nông đầu tiên trong khu vực.
Kế tục sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của các lớp cha anh, với bước tiến thẳng lên hiện đại bằng việc trang bị các tàu ngầm mang tên bản hành khúc của Cách mạng Tháng Mười, chắc chắn Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu trong tình hình mới.