Theo Đài tiếng nói nước Nga, buổi ký kết chuyển giao diễn ra tại Moscow. Lễ bàn giao trọng thể sẽ được tổ chức vào tháng 1/2014, cùng thời điểm chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên của Việt Nam mang tên HQ-182 Hà Nội về tới quân cảng Cam Ranh.
Trước đó, hơn 40 sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam đã trải qua một năm rưỡi học tập tại Nga theo chương trình đào tạo các giáo viên và huấn luyện viên cho trung tâm đào tạo. Sau khi được đào tạo ở Nga và trở về nước, các sĩ quan Hải quân Việt Nam sẽ trực tiếp vận hành hệ thống huấn luyện tàu ngầm trong nước.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội trong một lần thử nghiệm. |
Chi phí để xây dựng trung tâm huấn luyện này tuy không được tiết lộ nhưng theo Izvestia, tổng chi phí sẽ cao hơn giá một chiếc tàu ngầm Varshavyanka. Izvestia cho biết thêm, trung tâm huấn luyện gồm 2 tòa nhà. Một tòa nhà chứa một tàu ngầm mô phỏng với 30 thiết bị luyện tập riêng và được kết nối thành một mạng lưới chung. Các thiết bị luyện tập này mô phỏng chính xác các vị trí điều khiển của mỗi thủy thủ như trên tàu ngầm thật. Tuy nhiên, thay cho các chỉ số thực như độ sâu, tốc độ, tình trạng mục tiêu, thiết bị sẽ sử dụng thiết bị mô phỏng điện tử được vi tính hóa.
Tòa nhà thứ 2 chứa một thiết bị huấn luyện “có một không hai” nhằm huấn luyện khả năng sinh tồn của thủy thủ. Tại tòa nhà này, các thủy thủ tàu ngầm phải học cách xử lý trong các điều kiện khói mù, cháy với các phương tiện khác nhau, và cả cách thoát khỏi tàu thông qua máy phóng ngư lôi. Để mô phỏng các điều kiện thực tế, trung tâm huấn luyện có một bể nước với máy phóng ngư lôi 533 mm và áp suất tăng dần. Các thủy thủ tàu ngầm tương lai của Việt Nam phải tập sơ tán từ tàu ngầm dưới sự giám sát của các huấn luyện viên.
Giám đốc dự án này, ông Yuri Sizov, cho biết tổ hợp huấn luyện không chỉ bao gồm những mô phỏng tĩnh các thiết bị của tàu ngầm mà còn có điểm chỉ huy linh hoạt được bố trí trên một thiết bị di động. “Thiết bị di động này chuyển động theo 3 mặt phẳng khác nhau và cho phép mô phỏng tình huống tương tự trên biển như sóng, tình trạng tròng trành và độ nghiêng của tàu khi lặn xuống hoặc nổi lên. Nếu thao tác sai, thủy thủ đoàn ngay lập tức sẽ cảm nhận được thiết bị mô phỏng di động này bị nghiêng dốc hoặc nổi lên trên tương tự như tàu thật. Ngoài ra, chuyển động của toàn bộ thiết bị sẽ giống với chuyển động thật một cách tối đa. Đây là điều rất quan trọng đối với thủy thủ đoàn, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp” – ông Sizov giải thích.
Việc Nga chuyển giao trung tâm huấn luyện tàu ngầm cho Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác huấn luyện và đào tạo đội ngũ sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm - một lĩnh vực còn mới mẻ với Hải quân Việt Nam.