Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý kiến trái chiều về việc kiểm toán toàn bộ hay một phần dự án PPP

Có đại biểu cho rằng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cần phải kiểm toán toàn bộ, song nhiều quan điểm không đồng tình.

Những ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public-Private Partnerships - PPP) được Quốc hội thảo luận trực tuyến sáng 28/5. Nhiều đại biểu quan tâm đến việc kiểm toán thế nào, kiểm toán nội dung gì với các dự án PPP để đảm bảo hiệu quả, minh bạch và công khai.

"Làm đúng thì không việc gì phải ngại"

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) xếp các dự án PPP vào dự án đầu tư công và cho rằng có 3 vấn đề cần kiểm toán.

Thứ nhất là kiểm toán tính tuân thủ các quy định của pháp luật, của hợp đồng. Theo ông vừa qua, nếu việc này được thực hiện nghiêm ngay từ ban đầu sẽ không có tình trạng các dự án BOT giao thông đặt sai vị trí, làm đường tránh, làm đường một nơi nhưng đặt trạm một nẻo.

Điển hình như mới đây Bộ GTVT đề nghị Nhà nước trả tiền cho dự án, ở đường tránh phía tây Thanh Hóa nhưng lại đặt trạm thu phí ở trên quốc lộ 1, đoạn chỗ Bỉm Sơn và bị người dân phản ứng.

kiem toan cac du an PPP anh 1

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng nếu không công khai, minh bạch trong các dự án PPP sẽ khiến người dân nghi ngờ "có gì đó ở phía sau". Ảnh: quochoi.vn.

Vấn đề thứ hai là kiểm toán giá trị công trình để tính hiệu quả kinh tế. Vì việc này liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước phải trả cho nhà đầu tư, nếu không kiểm toán giá trị kinh tế thì không có căn cứ để trả nợ cho nhà đầu tư bằng tài sản công khác.

Vấn đề thứ ba là kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án và đây cũng là yêu cầu để đảm bảo công khai, minh bạch.

“Một khi đã làm đúng, tuân thủ đúng pháp luật thì không việc gì phải ngại kiểm toán, ngại thanh tra, ngại kiểm tra. Còn nếu ngại đối mặt với những việc đó là những điều không bình thường và chúng ta đã có bài học đầy đau xót về sai phạm trong thời gian vừa qua”, ông Phương nói.

Đại biểu nhận định thời gian qua, chúng ta không công khai, minh bạch, để người dân liên tục trong tình trạng nghi kỵ, nghi ngờ là có gì đó ở phía đằng sau. “Thực tế rõ ràng là có gì đó phía sau rồi và một loạt cán bộ chúng ta bị xử lý. Đó là những bài học rất đau xót trong quá trình thực hiện các dự án có liên quan đến đầu tư công”, ông Phương chia sẻ.

Phó trưởng đoàn đại biểu Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cũng cho rằng kiểm toán là vấn đề rất quan trọng nhằm đảm bảo tài sản Nhà nước không bị thất thoát, đóng góp của người dân không bị vào túi riêng, không bị lợi ích nhóm chi phối.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh không được lạm dụng kiểm toán để gây khó khăn hoạt động cho nhà đầu tư.

Chỉ kiểm toán phần có ngân sách Nhà nước

Tranh luận với các ý kiến này, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh giải thích PPP là hợp tác công tư chứ không phải đầu tư công.

“Trong quá trình bắt đầu triển khai dự án đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, nếu kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý”, ông Sinh nêu quan điểm.

kiem toan cac du an PPP anh 2

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh giải thích PPP là hợp tác công tư chứ không phải đầu tư công. Ảnh: quochoi.vn

Ông cho rằng có 3 nội dung phải kiểm toán toàn diện tất cả các dự án. Một là toàn bộ tuân thủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đấu thầu. Hai là kiểm toán toàn bộ về đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra cung cấp cho xã hội. Ba là kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước.

Còn trong quá trình tổ chức thực hiện, những cấu phần sử dụng ngân sách thì được kiểm toán một cách toàn diện theo Luật Đầu tư công, những phần liên quan đến vốn Nhà nước và vốn tư nhân hoặc là hoàn toàn vốn tư nhân thì luật đã quy định là cơ quan ký hợp đồng phải phối hợp với nhà đầu tư để thuê kiểm toán độc lập kiểm toán một cách minh bạch.

Ông Sinh nói thực hiện như vậy là hợp lý.

Đồng tình, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cũng nêu quan điểm “vừa có - vừa không” trong kiểm toán các dự án PPP.

Có là kiểm toán phần lựa chọn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, tất cả những việc “dị nghị” và nghi ngờ thất thoát tài sản Nhà nước hay đấu thầu không minh bạch, có sân trước, sân sau.

Còn đã đấu thầu minh bạch, Nhà nước đã ký hợp đồng với tư nhân thì không có chuyện kiểm toán lại lục lại giá trị này, cắt lên, gọt xuống. “Như vậy là vi phạm pháp lệnh về hợp đồng”, ông Dũng nói.

kiem toan cac du an PPP anh 3

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thống nhất cần có kiểm toán, nhưng chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải PPP định nghĩa là một dự án đầu tư công nhưng lại không hoàn toàn là dự án đầu tư công. Đây là một đặc thù rất khác nên cần có luật riêng là như vậy.

Theo ông Dũng, dự án này được thực hiện qua hợp đồng giữa một bên là Nhà nước, cơ quan đại diện có thẩm quyền và một bên là doanh nghiệp. Ông thống nhất cần có kiểm toán, nhưng chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước.

Trong đó, tập trung vào tuân thủ lựa chọn nhà đầu tư; chất lượng dịch vụ và giá trị khi chuyển giao cho Nhà nước.

Còn lại là tư nhân họ còn có một quyền là thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng giữa 2 bên.

Nhà nước không cam kết chia sẻ rủi ro, không ai muốn làm dự án PPP

Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chia sẻ rủi ro là điểm nhấn lớn nhằm thu hút đầu tư của Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm