Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 300 dự án PPP hầu hết chỉ thấy mặt trái

Không phủ nhận có dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) tốt song Chủ nhiệm Nguyễn Thanh Bình đánh giá có 2 khuynh hướng, một là sai phạm và hai là bất lợi về phía Việt Nam.

Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến trong phiên làm việc chiều 16/9. Đây được đánh giá là một luật mới, phức tạp nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Nhà đầu tư lấy luôn đất và kinh doanh trên đất của ta

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn số liệu trong báo cáo của Chính phủ cho biết đến nay đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác).

Thông qua đó, hơn 1,6 triệu tỷ đồng đã được huy động vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng KH&ĐT nêu nhiều tồn tại, bất cập như các dự án đều chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm của nhà đầu tư cũng như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ.

giao dat khong qua dau gia anh 1
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hoàng Hải.

Đặc biệt, các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất đã bộc lộ nhiều bất cập, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu; công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều tồn tại dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, gây bức xúc trong xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng) nhấn mạnh đây là luật quan trọng, nếu làm tốt sẽ mở cánh cửa huy động vốn ngoài xã hội và vốn quốc tế đầu tư sâu hơn vào Việt Nam.

Nhìn lại thời gian qua, ông nhận định có những dự án PPP tốt, nhưng nói chung có 2 khuynh hướng, một là sai phạm và hai là bất lợi về phía Việt Nam.

Ông đặt vấn đề Việt Nam là một nước nông nghiệp, việc bảo lãnh, chia sẻ rủi ro đối với nông dân còn chưa tốt thì tại sao nay lại đặt vấn đề chia sẻ rủi ro với các dự án PPP.

giao dat khong qua dau gia anh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: Hoàng Hải.

Ông Bình nêu thực tế sau một thời gian kinh doanh, phần vốn của Nhà nước trong không ít dự án PPP bị thấp xuống và mất đi quyền chi phối trong vấn đề hợp tác công tư. Thậm chí, phần đất là tài sản do Nhà nước đưa vào ban đầu cũng phải nhượng cho nhà đầu tư để bù lại lỗ của doanh nghiệp.

“Họ lấy luôn đất của chúng ta và họ kinh doanh doanh trên đất của chúng ta”, ông nói và đề nghị dự án Luật cần nêu rõ nguyên tắc của dự án PPP là đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo minh bạch, không bị bất lợi về phía Nhà nước và phải đảm bảo được phần vốn của Nhà nước.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặc biệt lưu tâm tới vấn đề về nguồn lực đất đai và việc đấu giá đất có hạ tầng.

“Đấu giá đất có hạ tầng khác, không có hạ tầng khác. Đất không có hạ tầng đấu giá dựa trên quy tắc nào, trong Luật Đất đai có quy tắc ngang giá thị trường, giá thị trường là giá thế nào?”, ông Phúc đặt câu hỏi và nhận định vừa qua có nhiều sự lãng phí và cơ bản chúng ta giao đất công trình, người dân khá bức xúc và mất lòng tin về chuyện này.

giao dat khong qua dau gia anh 3
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi là tại sao loại hình PPP lại chỉ thu hút các dự án BOT giao thông mà không có các loại hình khác. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý bài học đất đai giao không qua đấu giá nên thất thoát từ khi giao dự án cho đến khi giao đất, khiến dư luận có ý kiến. Ông đề nghị dự án phải đấu thầu, đất phải đấu giá, và những quy định này phải đưa vào luật.

Chia sẻ rủi ro, cẩn thận trở thành gánh nợ tích lũy

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc đến cơ chế chia sẻ rủi ro và cho rằng nhà đầu tư nào cũng muốn có sự chia sẻ rủi ro trong đầu tư, hơn nữa được Nhà nước chia sẻ thì “quý quá” vì không lo bị “xù”.

“Nhưng Nhà nước có chịu được tất cả câu chuyện bảo đảm không cũng là vấn đề phải tính kỹ, nếu không cẩn thận sẽ trở thành gánh nợ tích lũy lại mà phải trả nợ rất dài, trong đó những dự án đối tác công tư này phần lớn là dự án vắt qua vài chục năm, nhiều giai đoạn với sự thăng trầm của nền kinh tế, phải tính chứ không thể nhìn ngắn hạn được”, ông Hiển lưu ý.

Dù nhấn mạnh sự cần thiết của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt ra hàng loạt câu hỏi đề nghị Chính phủ giải đáp.

Bà đánh giá vừa qua loại hình đầu tư này đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước, mở mang nhiều về hạ tầng nên cần có điều chỉnh ở tầm luật.

Song, nữ Chủ nhiệm đề nghị Bộ trưởng KH&ĐT cho biết những hạn chế lớn nhất của hình thức đầu tư PPP và những hạn chế nào sẽ được luật khắc phục.

Câu hỏi tiếp theo được bà Nga đặt ra là tại sao loại hình này lại chỉ thu hút các dự án BOT giao thông mà không có các loại hình khác?

giao dat khong qua dau gia anh 4
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Hoàng Hải.

Theo bà Nga, liên quan đến BOT giao thông, vừa qua cả 3 bên nhà đầu tư, người dân, Nhà nước đều có vướng mắc. Nhà đầu tư thì chủ yếu kêu lỗ, người dân thì không chịu, kêu khi không đi vẫn phải trả phí.

“Đề nghị Chính phủ trả lời xem là quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng này không?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác là tại sao cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu lại đặt ra ở lĩnh vực này. Theo bà, nếu đặt trạm không hợp lý thì không được thu ở đó nữa chứ không thể tính phương án chia sẻ rủi ro.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại luật này sẽ đụng chạm tới rất nhiều luật khác giống như bài học khi làm Luật Quy hoạch phải sửa gần 40 luật.

“Nếu đụng chạm quá nhiều và gây xáo trộn, ách tắc thì phải cân nhắc”, Chủ tịch Quốc hội nói. Song, bà cho rằng nên đưa ra Quốc hội để thảo luận, làm sáng ra nhiều vấn đề.

Thứ trưởng Bộ GTVT: Hy sinh đời bố để con cháu không phải nộp phí BOT

Thứ trưởng Lê Đình Thọ mong người dân và doanh nghiệp cùng chia sẻ gánh nặng phát triển hạ tầng giao thông với Nhà nước. Khi đất nước mạnh giàu thì không cần thu phí BOT nữa.

Bộ Giao thông báo tiến độ chạy thử tuyến Cát Linh - Hà Đông trước 30/9

Trước 30/9, Bộ trưởng Giao thông phải báo cáo Thủ tướng về tiến độ chạy thử của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, không để tình trạng chậm trễ kéo dài.



Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm