Trung Quốc đã phớt lờ những tinh thần cơ bản nhất trong Hiến chương Liên hợp quốc. Với các hành động “xâm lấn” chủ quyền tại Biển Đông, Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc cơ bản được quy định ở Điều 2 của Hiến chương, nhất là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không làm nguy hại đến hòa bình và an ninh quốc tế và công lý; nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau.
Chính quyền Bắc Kinh cũng vi phạm Điều 33 về “giải quyết hòa bình các tranh chấp” quy định: Các bên đương sự trong các tranh chấp trước hết, phải tìm cách giải quyết bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đang tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Viễn Sự. |
Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS mà nước này là thành viên. UNCLOS cho phép các quốc gia ven biển có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở; cũng như thiết lập một vùng thềm lục địa có chiều rộng tính từ đường cơ sở đến rìa lục địa hẹp nhất là 200 hải lý và rộng nhất là 350 hải lý.
Nhưng vì nguyên tắc của luật pháp quốc tế quy định “đất thống trị biển” nên bất kỳ chiều rộng của vùng lãnh hải nào trên Biển Đông phải được dựa vào hướng chiếu ra từ đất liền. Việc giải quyết phân định lãnh hải được thể hiện trong UNCLOS, đặc biệt là các Điều 15 (phân định lãnh hải), Điều 74 (phân định Vùng đặc quyền kinh tế), Điều 83 (ranh giới thềm lục địa) và Điều 121 (quy chế của đảo).
Đối chiếu với các quy định này, các tuyên bố về “đường 9 đoạn” và những hành động xác lập chủ quyền theo “đường này” là không có cơ sở pháp lý.
Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam để từ đó xác lập chủ quyền “hợp pháp” tại những “vùng nước liên quan” và “vùng nước lân cận” theo “đường 9 đoạn” lại là một bước sai nữa. Điều 2, khoản 4 của Hiến chương LHQ nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương”.
Hơn nữa, ngay tại thời điểm năm 1974, chính quyền miền Nam Việt Nam đã đưa ra lời phản đối lên Liên hợp quốc, công bố sách trắng về các quần đảo và lên án hành động xâm chiếm bất hợp pháp Hoàng Sa của Trung Quốc. Liên tục từ đó đến nay, Việt Nam luôn khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Theo công pháp quốc tế, một sự chiếm giữ lãnh thổ sẽ không được xem là chấm dứt chỉ đơn giản bằng sự biến mất các bằng chứng chiếm giữ vật chất. Nói cách khác, sự gián đoạn các biểu hiện chiếm giữ vật chất tự nó không làm gián đoạn chủ quyền của một quốc gia nếu như họ không tuyên bố ý định từ bỏ lãnh thổ một cách rõ ràng.
Chiểu theo hướng này, Trung Quốc khẳng định vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý là “hợp pháp” chỉ là một lời ngụy biện. Chỉ có Việt Nam - quốc gia có chủ quyền hợp pháp với quần đảo Hoàng Sa - mới có chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng quanh đó.
Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận đã cam kết với ASEAN, cụ thể là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký kết năm 2002. Theo văn kiện này, các bên khẳng định tuân thủ mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, UNCLOS; cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế; cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định...
Những hoạt động gần đây như “xâm lấn” bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển Philippines khoảng 124 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này; hạ đặt giàn khoan vào sâu 80 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ban hành lệnh cấm bắt cá trên Biển Đông, đòi chủ quyền theo “đường 9 đoạn”... mà Trung Quốc thực hiện rõ ràng đã vi phạm các nội dung trong DOC.
Cuối cùng, lời nói và việc làm của Trung Quốc đã đi ngược lại những thỏa thuận cấp cao cam kết với Việt Nam, nhất là Thỏa thuận về nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước năm 2011.
Việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, chào thầu các lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cản trở hoạt động của các tàu cá, tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam... chắc chắn sẽ không thể được xem là biểu hiện của việc “lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục”, phương châm “16 chữ”, tinh thần “4 tốt”; kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị; giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị...
(Còn tiếp)