Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN. Ảnh: VOV |
Ngày 16/10 tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và những người đồng cấp ở các nước ASEAN, Bộ trưởng Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành những cuộc tập trận chung với các nước trong khối. Giới phân tích nhận định, đây là hành động đáp trả của Bắc Kinh trước việc Mỹ định điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo đá do Trung Quốc bồi đắp.
Chuyên gia quốc phòng Ni Lexiong nhận định với báo South China Morning Post rằng: "Nếu Mỹ cáo buộc Trung Quốc là một mối đe dọa, vậy tại sao các nước khác sẵn sàng tham gia tập trận cùng chúng tôi"? Do đó, ông Ni nói, đề xuất tập trận chung là cách Bắc Kinh chứng tỏ họ có thể hợp tác hòa bình những quốc gia Đông Nam Á.
Ông Zhang Baohui (Đại học Lingnan, Hong Kong, Trung Quốc) phân tích thêm, hành động muốn tập trận cùng ASEAN "cho thấy Trung Quốc đã nhận thức về sự quan ngại của các nước ASEAN đối với vấn đề tranh chấp".
"Việc Bắc Kinh chìa cành ô liu với những quốc gia này nhằm thuyết phục họ không ủng hộ các động thái của Washington trên Biển Đông. Trung Quốc từng không thật sự quan tâm về ASEAN, nay họ đã bắt đầu lo lắng", ông Zhang nói.
Trang The Diplomat lưu ý, ý tưởng tập trận chung trên Biển Đông không phải là sáng kiến mới hay độc nhất của Trung Quốc. Trước đó, Mỹ và Nhật Bản đã đề cập đến các hoạt động diễn tập khác nhau với các nước ASEAN. Do vậy, đề xuất của Trung Quốc có thể xem là một động thái phản ứng trước sự can thiệp của các thế lực khác vào khu vực, chứ không hẳn là một hành động tích cực chủ động của Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo trên Biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại. Ảnh: AP |
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nêu chi tiết về các đề xuất tập trận mà Bộ trưởng Thường Vạn Toàn nêu trong ngày 16/10. Hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì tập trận song phương với từng thành viên trong khối ASEAN hay cả nhóm.
Ông Zhang nhận định, nếu Bắc Kinh tổ chức một cuộc tập trận đa phương thì động thái này hoàn toàn khác với quan điểm lâu nay của Trung Quốc là các nước ASEAN không nên tham gia vào giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. "Việc bồi đắp đất của Trung Quốc đã khiến các nước ASEAN đoàn kết hơn, đây không phải là tình hình thuận lợi cho Bắc Kinh", ông Zhang nói.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã tổ chức diễn tập cùng một số nước ASEAN, chủ yếu về các nội dung phi an ninh. Ông Zhang cho rằng đây là chiến thuật nhằm xây dựng lòng tin giữa các nước với Trung Quốc, qua đó giải tỏa căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ.
Bên cạnh đó, cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh và Bộ trưởng Thường Vạn Toàn ngày 16/10 đều khẳng định, tập trận chung sẽ chỉ gồm các nội dung cứu hộ trên biển và đối phó thiên tai. Đây không phải là những vấn đề quan trọng. Do vậy, tờ báo Nhật Bản nhận định mối quan hệ quốc phòng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức do các bất đồng vì thiếu lòng tin.
Ông Zhang Baohui nhận xét thêm: "Nhưng điều vẫn còn chưa sáng tỏ là liệu các nội dung tập trận này có thể thực sự góp phần giải quyết tranh chấp, khi chúng không hề liên quan đến những rắc rối về chủ quyền"?
Ông Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore), cho rằng các nước ASEAN sẽ có những phản ứng khác nhau với đề xuất của Trung Quốc. "Việc tập trận sẽ khiến một số nước có thể lộ điểm yếu về lực lượng hải quân của họ", ông trả lời South China Morning Post.