Khi phụ nữ Afghanistan vẫn sống bên trong những căn nhà chật chội ở Kabul, lo sợ cho cuộc sống tương lai của họ, một hình ảnh hoàn toàn khác đã được phát sóng trên kênh truyền hình tư nhân Tolo News hôm 17/8. Một nữ nhà báo đã phỏng vấn một quan chức Taliban, New York Times cho biết.
Ông Mawlawi Abdulhaq Hemad, thành viên trong bộ máy truyền thông của Taliban, ngồi đối diện và cách vài bước chân với nữ nhà báo Beheshta Arghand. Cô đã hỏi ông về tình hình ở Kabul và việc Taliban đang lục soát từng ngôi nhà ở thủ đô Afghanistan.
“Toàn bộ thế giới cần biết rằng Taliban là những người cai trị thực sự của đất nước. Tôi vẫn đang ngạc nhiên về việc mọi người sợ Taliban”, ông Hemad nói.
Cuộc phỏng vấn có vẻ bình thường, nhưng rất đáng chú ý đối với Taliban vốn gạt phụ nữ ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Đây được xem là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của tổ chức kể từ khi kiểm soát Kabul, nhằm thể hiện bộ mặt ôn hòa với thế giới.
Taliban đang khuyến khích người lao động quay trở lại công việc của họ, thậm chí kêu gọi phụ nữ trở lại công việc và tham gia vào bộ máy chính phủ. Đến nay, không nhiều người tin vào những hình ảnh này.
Đánh bóng hình ảnh
Trước đó, ông Enamullah Samangan, thành viên ủy ban văn hóa Taliban đã nói rằng phụ nữ thậm chí có thể phục vụ trong chính quyền Taliban mới.
“Tiểu vương quốc Hồi giáo không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân. Họ phải ở trong cơ cấu chính phủ mới theo luật Shariah”, ông Samangan nói.
Taliban đang cố xây dựng hình ảnh thân thiện, đặc biệt là trong việc đối xử với phụ nữ. Ảnh: Tolo News. |
Người ta không rõ phụ nữ có những vai trò gì trong đời sống cộng đồng theo luật Shariah, dựa trên cách giải thích khắc nghiệt trong quá khứ của Taliban về những luật đó.
Cư dân thủ đô Kabul lo lắng trước sự lùng sục của các tay súng Taliban, họ đã xé bỏ các quảng cáo có hình phụ nữ không mang khăn trùm đầu trong những ngày gần đây.
Điều đó làm cho công việc của các nhà báo nữ ở Tolo News, bao gồm các phóng viên hiện trường, trở nên đáng chú ý.
Matthieu Aikins, một nhà báo thường xuyên đưa tin về Afghanistan, mô tả cuộc phỏng vấn là “đáng chú ý, lịch sử và đáng mừng”. Ông chỉ ra rằng trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha, Qatar, Taliban đã cho phép các nữ nhà báo từ Afghanistan và các nước khác tiếp cận.
Các nhà quan sát khác cho biết Taliban từng cho phép các nữ phóng viên quốc tế của CNN và các hãng thông tấn khác phỏng vấn, nhưng rất hiếm khi ở trong nước.
Giới lãnh đạo Taliban dường như đang cẩn thận chăm sóc hình ảnh công chúng của tổ chức, các thành viên của họ liên tục nói rằng sẽ không tước đoạt quyền và giáo dục của phụ nữ trong nước.
Cuộc phỏng vấn trên Tolo News là một dẫn chứng về việc Taliban đang cố xây dựng hình ảnh thân thiện. Họ là một kênh truyền hình độc lập, trình chiếu nhiều các vở kịch, chương trình truyền hình thực tế đi ngược với đặc tính bảo thủ của Taliban.
Sau khi tiếp quản thủ đô Kabul, Taliban đã tiến vào khu tin tức của Tolo, thu thập tất cả vũ khí do nhà nước Afghanistan cung cấp và đề nghị giúp bảo vệ khu nhà.
Saad Mohseni, giám đốc điều hành Moby Media Group, đơn vị giám sát Tolo News, nói với BBC rằng Taliban hành động chuyên nghiệp và lịch sự. Nhưng ông nghi ngờ tính bền vững về nội dung của kênh truyền hình mà ông đang quản lý, đặc biệt là nội dung giải trí cuối cùng sẽ phải đối mặt với sự kiểm duyệt.
Đầy rẫy sự hoài nghi
Dù Taliban muốn chứng tỏ họ đang thay đổi, sự hoài nghi về việc họ đột ngột quay trở lại chính sách trước đây vẫn còn rất lớn.
“Xin hãy dành một suy nghĩ cho phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan. Một thảm kịch đang mở ra trước mắt chúng ta”, Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành UN Woman, viết trên Twitter.
Ít giờ trước khi cuộc phỏng vấn của đại diện Taliban với nhà báo của Tolo News lên sóng, trên đường phố Kabul, các tay súng đã trả lời các phóng viên của CNN, nhưng đẩy trưởng nhóm phóng viên ra một bên vì cô là phụ nữ.
Đội thi đấu robot của các cô gái Afghanistan, các thành viên đang được những người ủng hộ tìm cách để đưa đi tị nạn. Ảnh: AFP. |
Khi Taliban cai trị Afghanistan giai đoạn 1996-2001, họ đã cấm phụ nữ và trẻ em gái làm việc hoặc đi học. Sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2001 lật đổ Taliban, quyền phụ nữ trở thành vấn đề cấp thiết.
Trong 2 thập niên, Mỹ đã đầu tư hơn 780 triệu USD để thúc đẩy quyền của phụ nữ. Họ đã được tham gia lực lượng cảnh sát, quân đội, nắm giữ các chức vụ chính trị, tranh tài tại Thế vận hội và trong đội thi đấu robot - những điều trước đây dường như không thể xảy ra.
Giờ đây có một nỗi sợ hãi ngày càng lớn rằng những quyền cơ bản trên - vốn khó khăn lắm mới giành lấy được - sắp biến mất một lần nữa, New York Times nhận định.