Thời gian qua, dường như đã là quyết định, bầu Đức sẽ đưa lứa cầu thủ học viện đầu tiên đá V.League 2015. Câu chuyện xunh quanh cầu thủ học viện đá V.League cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo chí lẫn những nhà chuyên môn bàn tới, bàn lui.
Trong câu chuyện tranh luận có cả những tin đồn râm ran như bầu Đức và HLV Guillaume Graechen có nhiều bất đồng. Vị HLV người Pháp thì muốn nếu đưa cả đội U19 lên đá V.League thì nhất thiết phải tăng cường ngoại binh thật chất lượng. Trong khi bầu Đức thì tuyên bố xanh rờn: “U19 học viện đá V.League có rớt hạng cũng sướng”.
Bầu Đức khá tin tưởng và lạc quan còn HLV Graechen thì cho rằng U19 sẽ khó thành công ở V.League nếu không có nhiều đàn anh gồng gánh.
Thực tế, cả U19 HA Gia Lai lẫn U19 Indonesia đều đang ở lứa tuổi phải bắt đầu ra trận mạc khắc nghiệt nếu muốn tiếp tục phát triển và trưởng thành.
U19 Indonesia là lứa cầu thủ của LĐBĐ Indonesia được giới tài phiệt, tỷ phú của nước này chung tay đầu tư tài chính rất mạnh. Vừa qua, trước khi sang Myanmar dự vòng chung kết châu Á, đội được sang Tây Ban Nha tập huấn ba tuần… Cũng giống như U19 Việt Nam, lứa U19 Indonesia được kỳ vọng lấy một trong bốn suất đầu (tức vào bán kết) giải châu Á để có mặt tại vòng chung kết World Cup U20 thế giới năm 2015. Tuy nhiên, đội này cũng bị loại ngay sau vòng bảng như U19 Việt Nam.
Trở về nước, tập thể này cũng ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” như U19 Việt Nam. Nếu cứ để các em chơi chung với nhau thì đá với ai và đá giải nào? Còn không đá giải mà chỉ tập huấn nước ngoài mãi thì không có kinh phí và cũng không hiệu quả. Trước tình hình đó, bầu Đức chọn cách cho toàn đội lên đá V.League 2015, còn U19 Indonesia thì “xả hàng”.
Indonesia chọn cách để các cầu thủ U19 được chia ra từng CLB chứ không tập hợp thành 1 đội như cách làm của bầu Đức. |
Việc U19 Indonesia “xả hàng” được hàng loạt CLB đón nhận. Giải vô địch ngoại hạng Indonesia có đến 36 đội chia làm hai bảng đá lượt đi và về. Bên cạnh đó giải hạng nhất cũng có 18 CLB dự giải. Việc U19 Indonesia “xả hàng” không gặp phải khó khăn nào. Có những CLB như Barito Putero mua đến ba cầu thủ một lúc. Trong số 25 tuyển thủ U19 Indonesia, có người may mắn được về đá cho CLB ngoại hạng.
Cách làm của U19 Indonesia được giới chuyên môn đánh giá cao. Vì những cầu thủ trẻ này được cân nhắc đưa vào chơi cùng đàn anh để có cơ hội phát triển. Cách này xem ra lý tưởng hơn cách của bầu Đức.
Điều đáng nói là các cầu thủ U19 Indonesia được chuyển nhượng, tức thành tài sản của CLB nhưng khi tập trung đội tuyển thì lứa cầu thủ này vẫn là lực lượng nòng cốt.
U19 Indonesia khi về đầu quân tại các CLB, họ sẽ được làm quen với nhiều hệ thống thi đấu, kỹ chiến thuật của nhiều nhà cầm quân khác nhau, điều này tăng cường kỹ năng cho các em. Trong khi U19 Việt Nam nếu giữ nguyên đội hình sẽ khiến các em chỉ quen với một cách chơi bên cạnh những đồng đội quá quen thuộc.
U19 Indonesia khi được chơi bên cạnh những cầu thủ giỏi trong đội sẽ được lĩnh hội nhiều thứ hơn, đa dạng hóa kỹ năng và dễ thích nghi khi thay đổi chiến thuật. Điều này dễ dàng cho các em khi đội tuyển tập trung, có thể linh hoạt chiến thuật trước từng đối thủ. Trong khi đó thì U19 của bầu Đức cần “có bè, có tụ” mới có thể hiểu ý và chơi tốt. Điều này dường như không phù hợp chuyên môn lẫn sự phát triển lên tầm cao hơn của bóng đá.