Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xung quanh việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa

Việc ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa là thận trọng, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Ngày 1/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kéo dài hơn 1 năm

Quá trình thực hiện, hồ sơ dự án đầu tư dự án sân golf Đak Đoa được tỉnh Gia Lai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng và báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư. Quá trình này không phải “một sớm, một chiều” là xong.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Chính phủ, dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thẩm định, báo cáo lãnh đạo Chính phủ vào tháng 1/2020.

san golf Dak Doa anh 1

Báo Chính phủ khẳng định quá trình phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa không phải "một sớm, một chiều" là xong. Ảnh minh họa: VGP.

Trong quá trình hơn 1 năm xem xét dự án này, với quan điểm phát triển hài hòa “kinh tế - xã hội - môi trường”, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương rà soát nhiều vấn đề như xác định rõ rừng thông thuộc loại rừng nào để xác định việc quản lý và chuyển mục đích sử dụng rừng, xử lý tài sản công (rừng thông), đánh giá các yêu cầu đối với nhà đầu tư, tình hình đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên quan đến dự án...

Đặc biệt, cuối năm 2020, khi báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo, việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hơn 100 ha rừng, trong đó chủ yếu rừng thông ba lá và thảm thực vật tại đây có “nguy cơ” biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương, Thủ tướng đã có ý kiến giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NNPTNT) nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng về nội dung phản ánh.

Bộ NNPTNT đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai và một số bộ liên quan về việc sử dụng đất của dự án sân golf Đak Đoa cũng như tổ chức hội đồng thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng rừng với đa số phiếu tán thành việc trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ý kiến các bộ, ngành đều ủng hộ việc triển khai dự án.

Sân golf Đak Đoa nằm trong quy hoạch

Theo Điều 30 Luật Đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sân golf, không phân biệt quy mô nguồn vốn, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Trong khi đó, về trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

Sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt "Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020”.

Dự án cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt Nghị định 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020. Theo đó, dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất, không phải là rừng tự nhiên, phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp...

Không phá rừng…

Một vấn đề mà nhiều người quan tâm là liệu dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, có làm mất rừng, dù đây là rừng sản xuất, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, mục tiêu dự án đề ra là phải giữ lại rừng thông để bảo vệ cảnh quan, môi trường, không được chặt hạ. Nhà đầu tư phải giữ lại phần lớn diện tích rừng trồng thông này, chỉ di thực những cây nằm trên đường golf hoặc các công trình xây dựng khác để trồng vào các vị trí phù hợp.

Khi thực hiện dự án, nhà đầu tư còn phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời thực hiện việc trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án. Có nghĩa là Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng lên.

Trong văn bản ký phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NNPTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, việc đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và các pháp luật liên quan khác thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình.

UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định, chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện dự án theo đúng quy định.

Như vậy, việc ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa là thận trọng, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của Gia Lai, một tỉnh còn nhiều khó khăn và tính toán kỹ đến yếu tố bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Nguyễn Đức/VGP

Bạn có thể quan tâm