Hội nghị ngoại trưởng G20 ban đầu được lên kế hoạch tập trung vào việc phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nhưng sự chú ý đã chuyển sang các vấn đề nổi lên hiện nay như xung đột Ukraine, giá cả và lạm phát toàn cầu tăng mạnh, theo AFP.
Trong đó, xung đột tại Ukraine được cho là sẽ phủ bóng cuộc họp của quan chức ngoại giao 20 nền kinh tế hàng đầu. Hồi tháng 4, một số bộ trưởng Tài chính đã ra khỏi phòng họp khi người đồng cấp Nga phát biểu trong lần họp G20 đầu tiên từ khi xung đột nổ ra.
Trước cuộc họp của G20, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết đây sẽ không phải "cuộc họp như thường lệ".
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 7/7 nói rằng điều quan trọng với nước chủ nhà là phải "tạo bầu không khí thoải mái cho mọi người".
"Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 24/2, nhà ngoại giao từ các nước hàng đầu ngồi lại với nhau", bà nói, đề cập tới thời điểm Nga phát động "chiến dịch quân sự".
Khung cảnh bên trong phòng họp hội nghị ngoại trưởng G20 năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Một quan chức chính phủ Indonesia cho biết lãnh đạo các nước G20 sẽ không chụp ảnh chung như một thông lệ trong hội nghị lần này.
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay điều quan trọng là phải ngăn "sự gián đoạn" lên chương trình nghị sự của G20, Reuters đưa tin.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong ngày 7/7 nói rằng sẽ khẳng định lập trường lên án Moscow tại hội nghị.
Cùng với đó, Nhật Bản cũng quan ngại về xung đột tại Ukraine. Quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết đã nói chuyện với các nước "cùng chí hướng" nhưng chưa quyết định việc có rời khỏi phòng họp khi phía Nga phát biểu hay không.
Hôm 7/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bali. Ông Lavrov ca ngợi Bắc Kinh, đồng thời chỉ trích phương Tây "gây hấn công khai".