Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xung đột Nga - Ukraine làm giá cả leo thang, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp cùng với xung đột vũ trang tại Ukraine đã làm giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm tăng cao.

Bộ Công Thương vừa ban hành công điện khẩn gửi Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine.

Theo đó, Bộ cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động như xung đột vũ trang tại Ukraine đã làm giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế… đến những mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thị trường trong nước.

Trước tình hình trên, cơ quan này yêu cầu Tổng cục QLTT chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, phối hợp tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường để thu lời bất chính.

Bo cong thuong chi dao khan anh 1

Tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã làm giá cả của nhiều mặt hàng như kit test Covid-19 tăng cao. Ảnh: Duy Hiệu.

"Kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine", Bộ Công Thương chỉ đạo.

Đối với các Cục QLTT các tỉnh, thành, Bộ yêu cầu tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu và thiết bị, vật tư y tế...

Đồng thời chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 các cấp để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường để thu lời bất chính.

"Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác quản lý thị trường", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng nếu để đơn vị mình có những vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc để xảy ra các hành vi gian lận thương mại bị các cơ quan chức năng hay người dân phản ánh, phát hiện mà không được xử lý.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kết quả qua văn phòng Bộ vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giám sát tình hình cung ứng xăng dầu

Ủy ban Tài chính - ngân sách và Ủy ban Kinh tế được giao giám sát hoạt động, thực trạng tài chính và việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm