Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xung đột Nga - Ukraine là 'giọt nước tràn ly' đối với kinh tế toàn cầu

Các tổ chức kinh tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng những cú sốc về nguồn cung và đẩy lạm phát lên mức đáng báo động.

Hôm 19/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023. Cơ quan này nhấn mạnh rằng tác động kinh tế từ xung đột Nga - Ukraine "sẽ lan tỏa sâu rộng".

IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,6% trong năm 2022 và 2023. So với dự báo được đưa ra hồi tháng 1, tỷ lệ này đã lao dốc lần lượt 0,8 và 0,2 điểm phần trăm.

"Triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần lớn do cuộc chiến ở Ukraine", ông Pierre-Olivier Gourinchas - cố vấn kinh tế tại IMF - nhận định.

Tang truong kinh te toan cau anh 1

Triển vọng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters.

Lan tỏa sâu rộng

"Ảnh hưởng của cuộc chiến sẽ lan tỏa sâu rộng, làm gia tăng áp lực giá cả, khiến các thách thức về chính sách trở nên trầm trọng hơn", vị chuyên gia cảnh báo.

Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng, giới nhà giàu và ngành công nghiệp năng lượng của Nga.

IMF cho rằng những đòn trừng phạt này sẽ "tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga". GDP của nước này được dự báo giảm 8,5% trong năm 2022 và 2,3% vào năm 2023.

Tuy nhiên, cơ quan này đưa ra dự báo ảm đạm hơn đối với nền kinh tế Ukraine. "Nền kinh tế Ukraine có thể sụt giảm 35% trong năm 2022", IMF dự báo.

"Ngay cả khi cuộc chiến sớm kết thúc, thiệt hại về người, cơ sở vật chất bị hủy hoại và dòng người di cư sẽ cản trở các hoạt động kinh tế trong nhiều năm tới", tổ chức này cảnh báo.

Ngay cả khi cuộc chiến sớm kết thúc, thiệt hại về người, cơ sở vật chất bị hủy hoại và dòng người di cư sẽ cản trở các hoạt động kinh tế trong nhiều năm tới

Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Theo báo cáo trước đó của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Ukraine có thể sụt giảm 45,1% trong năm nay.

Nguyên nhân là việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, kim ngạch xuất khẩu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh tế tại một số khu vực bị chặn đứng.

WB cũng dự báo GDP của Nga sẽ giảm 11,2% do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh phương Tây áp lên ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh và những tổ chức khác của nước này.

Còn khu vực Đông Âu - bao gồm Ukraine, Belarus và Moldova - được dự báo chứng kiến GDP sụt giảm 30,7% trong năm nay. Nguyên nhân chính là cú sốc từ xung đột và gián đoạn thương mại.

Nhìn xa hơn, việc Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm gia tăng những cú sốc về nguồn cung đối với nền kinh tế toàn cầu. Xung đột còn tạo ra những thách thức mới.

"Nga là nước cung cấp dầu, khí đốt và kim loại chính. Cả Nga và Ukraine đều xuất khẩu lượng lớn lúa mì và ngô. Nguồn cung của những mặt hàng này giảm mạnh đã thúc đẩy giá tăng cao", IMF nhận định.

Giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng

Lúa mì, ngô và lúa mạch đang mắc kẹt ở Nga và Ukraine, phân bón Nga và Belarus không thể tới tay khách hàng. Giá lương thực và phân bón toàn cầu tăng vọt. Tính từ thời điểm Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, giá lúa mì đã tăng 21%, giá lúa mạch tăng 33%, giá một số loại phân bón tăng 40%.

Các chính phủ, nhà kinh tế và nhiều tổ chức đã cảnh báo về nguy cơ nạn đói gia tăng. Giá thực phẩm, phân bón, dầu, khí đốt, nhôm, nickel và palladium đều tăng nhanh. Giới quan sát dự báo giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu xung đột leo thang.

Các trang trại Ukraine sắp bỏ lỡ mùa gieo trồng và thu hoạch quan trọng. Những nhà máy phân bón ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng vì giá nhiên liệu tăng cao. Nông dân từ Brazil đến Texas phải dùng ít phân bón hơn. Điều này đe dọa quy mô của các vụ thu hoạch tiếp theo.

Lũ lụt nghiêm trọng khiến Trung Quốc thất thu lúa mì. Điều này khiến đất nước 1,4 tỷ dân phải nhập khẩu nhiều hơn từ các nước khác. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì Ấn Độ cũng tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Tang truong kinh te toan cau anh 2

Lúa mì, ngô và lúa mạch đang mắc kẹt ở Nga và Ukraine, gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá tăng cao. Ảnh: Bloomberg.

Xung đột Nga - Ukraine cộng hưởng với hàng loạt thách thức khiến nguồn cung lao dốc và giá cả tăng vọt, bao gồm các đợt bùng phát dịch Covid-19, hệ thống vận tải toàn cầu bị gián đoạn, chi phí năng lượng tăng cao, hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, khiến ảnh hưởng của lạm phát kéo dài hơn. IMF ước tính tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đạt 7,7% trong năm nay, còn ở khu vực đồng EUR là 5,3%.

Theo cơ quan này, rủi ro đối với kinh tế toàn cầu cũng tăng cao khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tìm cách nâng lãi suất để đối phó với lạm phát.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến nâng lãi suất thêm 6 lần trong năm nay. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu xác nhận sẽ dừng chương trình mua tài sản vào quý III.

Tuy nhiên, các cơ quan này có thể đẩy nhanh những chính sách thắt chặt tiền tệ nếu lạm phát vẫn ở mức cao.

Nhiều nước sa lầy trong hố nợ vì xung đột Nga - Ukraine

Nhiều quốc gia vốn đã chật vật vì những khoản nợ khổng lồ, giờ rơi vào bế tắc khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang bởi xung đột ở Ukraine.

Mỹ và châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng kỷ lục

Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đẩy giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ và châu Âu tăng vọt. Điều này làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm