Theo Washington Post, các chuyên gia kinh tế cho biết chiến sự ở Ukraine sẽ tác động mạnh đến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, việc giá dầu thế giới tăng vọt lên hơn 110 USD/thùng cũng như sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đang làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở Mỹ, vốn ở mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.
Tất cả chính phủ, tập đoàn và nhà đầu tư đều đang đối mặt với một thực tế mới. Xét về khía cạnh lâu dài, những hậu quả từ cuộc xung đột có thể nặng nề hơn.
Khủng hoảng toàn cầu hóa
“Chúng ta đang đặt chân tới kỷ nguyên khác, một phiên bản toàn cầu hóa kém hoàn thiện so với những gì được mong đợi ở thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Chúng ta cần suy nghĩ lại về ý nghĩa của hệ thống thương mại toàn cầu”, Michael Smart, lãnh đạo tại Rock Creek Global Advisors, chia sẻ.
Theo các nhà phân tích từ Citibank, việc Mỹ, châu Âu, Canada, Anh và Nhật Bản thống nhất trừng phạt Nga bằng các đòn đánh tài chính đã tạo nên "quá trình tái cơ cấu địa chính trị lớn”, tương tự dư chấn sau vụ tấn công khủng bố 11/9.
Gần như sau một đêm, hoạt động giao dịch tại hầu hết ngân hàng lớn ở Nga bị ngăn chặn. Thị trường chứng khoán Moscow buộc phải đóng cửa trong một tuần còn người dân Nga thì không thể tiếp cận những công nghệ mới trên thế giới.
Dòng người xếp hàng để rút ngoại tệ từ một máy ATM ở St.Petersburg, Nga. Ảnh: AP. |
Tại Washington, giới chức Mỹ đang xem xét kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu từ Nga. Nếu có sự tham gia của các quốc gia châu Âu, tình hình tài chính của Moscow thậm chí sẽ trở nên căng thẳng hơn.
Hôm 5/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo chiến tranh và lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt với những hộ gia đình nghèo vốn dành phần lớn chi tiêu cho lương thực và nhiên liệu.
“Nga có thể rút khỏi nền kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài. Điều này giống như cách chúng ta quay trở về Chiến tranh Lạnh, thời điểm thị trường Liên Xô vẫn còn khép kín. Nhưng, điều này không có nghĩa phần còn lại của thế giới không thể thúc đẩy hội nhập thương mại và tài chính”, Maury Obstfeld, Giáo sư kinh tế tại Đại học California, cho biết.
Thời hoàng kim của toàn cầu hóa đã kết thúc từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Cuộc chiến tại Ukraine chỉ khiến nó trở nên rõ ràng hơn
Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới
Các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga chỉ là giọt nước tràn ly cho thấy xu hướng toàn cầu hóa đã bị xói mòn trong hơn một thập kỷ.
Những sự kiện như cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018 hay làn sóng bùng phát Covid-19 đã dấy lên những lo ngại về tình trạng đứt gãy giao thông quốc tế, liên kết xuyên biên giới hay chuỗi cung ứng.
Trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từng xuất hiện nhiều rạn nứt. Sự thất bại trong các cuộc đàm phán đôi bên đã và đang cản trở dòng chảy hội nhập tài chính và thương mại trên thế giới.
Rơi vào ngõ cụt
Sau khi Liên Xô tan rã vào tháng 12/1991, Nga bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế như thành lập thị trường chứng khoán và chào đón giới đầu tư quốc tế.
Trung Quốc cũng sớm đi theo con đường định hướng thị trường nhờ khả năng tiếp cận công nghệ, vốn và nhận hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài.
Tuy nhiên, niềm tin vào một thị trường tự do dần trở nên không thực tế khi tình trạng nghèo đói ngày càng tăng lên.
Theo Ngân hàng Thế giới, trước khi đại dịch xuất hiện, khoảng 70% quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dưới ngưỡng trung bình, gấp 3 lần so với con số vào năm 2008.
Chiến sự ở Nga đang làm lộ rõ những rạn nứt của nền kinh tế toàn cầu hóa. Ảnh: AP. |
Vào năm 2020, lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu bật tăng. Tình hình thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nếu kinh tế Nga suy thoái và đồng RUB mất giá.
Ngoài Nga, các nước Trung Á thuộc khối Liên Xô cũ như Kyrgyzstan và Tajikistan cũng thuộc diện chịu ảnh hưởng. Lượng kiều hối từ những lao động nhập cư làm việc tại Nga hiện chiếm 30% nền kinh tế ở 2 quốc gia này.
Theo dữ liệu từ cơ quan phân tích chính sách kinh tế CPB Hà Lan, khối lượng thương mại thế giới có thể lớn gấp đôi hiện nay nếu lộ trình phát triển toàn cầu trong giai đoạn 2000-2008 được giữ nguyên.
Dù nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng khoảng 30% kể từ năm 2008, dòng chảy tài chính xuyên biên giới vẫn bị đình trệ. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy các nhà băng hàng đầu hiện nay có 31.100 tỷ USD tiếp xúc với nước ngoài, nhỉnh hơn chút so với mức 30.400 tỷ USD vào đầu năm 2008.
Theo nghiên cứu của MSCI, mối tương quan giữa những thị trường khác nhau hiện ở mức 50%, thấp hơn nhiều so với mức 80% vào một thập kỷ trước. Con số này phản ánh xu hướng “giảm toàn cầu hóa” của nền kinh tế hiện nay.
Bức tranh toàn cầu hóa đang thay đổi
“Mọi thứ sẽ không như trước. Những gì chúng ta sắp thấy là một quá trình tách biệt và rời rạc. Xu hướng toàn cầu hóa sẽ chậm lại, đặc biệt với trường hợp của Trung Quốc”, Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học từ Đại học Columbia, dự đoán.
Toàn cầu hóa không kết thúc, nhưng nó sẽ đi theo chiều hướng khác. Thực tế đã chỉ ra kể từ năm 2018, Mỹ đã hạn chế dòng chảy hàng hóa công nghệ cao sang Trung Quốc, đồng thời tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khi chứng kiến Mỹ và các đồng minh nỗ lực đẩy Nga vào suy thoái, giới chức Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng tự chủ trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô gấp 10 lần Nga và gắn bó hơn với trường quốc tế. Đây được coi là lỗ hổng khiến Bắc Kinh và các đối tác thương mại khó tách rời.
Mọi thứ sẽ không còn như trước. Những gì chúng ta sắp thấy là một quá trình tách biệt và rời rạc
Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học tại Đại học Columbia
Mỹ cũng đang đi theo con đường đó với sáng kiến thúc đẩy sản xuất trong nước “made in America” của Tổng thống Biden. Song, cuộc chiến tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của Mỹ.
Năm 2021, tổng thương mại hai chiều của Mỹ với Nga và Ukraine đạt 40 tỷ USD. Hệ thống ngân hàng Phố Wall còn sở hữu dưới 15 tỷ USD cổ phần trong các khoản vay của người Nga.
Việc trừng phạt kinh tế Nga sẽ cắt đứt hầu hết liên kết giữa quốc gia này và thương mại thế giới. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng còn gây áp lực lên lạm phát. Nhiều công ty vận chuyển thông báo tạm dừng chuyến hàng đến và đi từ Nga, khiến hàng hóa bắt đầu chất đống tại các nhà ga trên khắp châu Âu.
“Hàng hóa bị chậm lại khiến các trung tâm trung chuyển đang tắc ngẽn ngày càng áp lực hơn. Đây là một tác động toàn cầu và không chỉ giới hạn trong thương mại với Nga”, Maersk cho biết.