Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Xung đột công nghệ Mỹ - Trung Quốc cũng đang diễn ra dưới đáy biển

Mỹ tìm mọi cách để ngăn cản Trung Quốc tham gia xây dựng cáp quang ngầm dưới đáy biển, hạ tầng quan trọng mà phần lớn lưu lượng Internet đi qua.

Vào tháng 2, công ty cáp ngầm SubCom LLC của Mỹ đã bắt đầu đặt một tuyến cáp quang Internet dưới đáy biển trị giá 600 triệu USD, kéo dài gần 20.000 km, kết nối châu Á đến châu Âu, đi qua qua châu Phi và Trung Đông. Tuyến cáp có tên SeaMeWe-6, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Khách hàng của tuyến cáp là một liên minh gồm hơn một chục công ty viễn thông. 3 trong số đó là các nhà mạng thuộc sở hữu công của Trung Quốc, cụ thể là China Telecom, China Mobile Limited và China Unicom.

Đáng nhẽ dự án này có thể thuộc về Trung Quốc, cụ thể là công ty xây dựng cáp ngầm đang nổi lên nhanh chóng HMN Technologies Co Ltd. Công ty này suýt giành được hợp đồng SeaMeWe-6 vào 3 năm trước.

Tranh giành tuyến cáp ngầm quan trọng

HMN Tech, từng thuộc sở hữu đa số của gã khổng lồ Huawei Technologies, là nhà thầu được tập đoàn chọn vào đầu năm 2020 để sản xuất và lắp đặt cáp, một phần nhờ các khoản trợ cấp lớn từ Bắc Kinh giúp giảm chi phí so với đối thủ cạnh tranh, theo các nguồn tin trong liên minh của Reuters.

HMN Tech là nhà thầu xây dựng cáp quang đang phát triển nhanh của Trung Quốc, nhưng trong những năm trở lại đây liên tục bị mất dự án do can thiệp từ Mỹ. Ảnh: Reuters.
internet anh 1
internet anh 1

HMN Tech là nhà thầu xây dựng cáp quang đang phát triển nhanh của Trung Quốc, nhưng trong những năm trở lại đây liên tục bị mất dự án do can thiệp từ Mỹ. Ảnh: Reuters.

Các nguồn này cho biết giá thầu của HMN Tech, 500 triệu USD, chỉ bằng 2/3 so với đề xuất ban đầu của SubCom. SeaMeWe-6 sẽ là dự án lớn nhất của HMN Tech, củng cố vị thế của công ty và mở rộng phạm vi toàn cầu của 3 công ty viễn thông Trung Quốc.

Nhưng chính phủ Mỹ, lo ngại về khả năng Trung Quốc theo dõi dữ liệu trên đường cáp trọng yếu này, đã tìm cách chuyển hợp đồng sang SubCom bằng cách trợ giá và gây áp lực đối với các thành viên còn lại trong liên minh, bao gồm Microsoft và Orange FA, tập đoàn viễn thông Pháp.

Theo Reuters, đây chỉ là một trong ít nhất 6 thỏa thuận cáp biển tư nhân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua mà chính phủ Mỹ đã can thiệp để khiến HMN Tech mất hợp đồng, buộc phải định tuyến lại hoặc loại bỏ các tuyến cáp có thể liên kết trực tiếp Mỹ với lãnh thổ Trung Quốc.

Theo TeleGeography, trên toàn cầu có hơn 400 đường cáp chạy dưới đáy biển, vận chuyển hơn 95% lưu lượng truy cập Internet quốc tế. Những đường dẫn dữ liệu này truyền mọi thứ từ email và giao dịch ngân hàng đến bí mật quân sự, do đó có thể bị theo dõi hoặc tấn công phá hoại.

internet anh 2

Cáp quang ngầm dưới đáy biển vận chuyển phần lớn lưu lượng Internet của thế giới, trong đó bao gồm nhiều thông tin liên quan đến an ninh. Ảnh: Airtel.

Cáp ngầm dưới biển là “mỏ vàng giám sát” cho các cơ quan tình báo trên thế giới, Justin Sherman, một thành viên tại tổ chức tư vấn Atlantic Council có trụ sở tại Washington, cho biết.

"Khi nói về cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hoạt động gián điệp và thu thập dữ liệu, thì cáp ngầm có liên quan đến mọi khía cạnh", Sherman nói.

2 trong số các dự án mà chính phủ Mỹ có can thiệp thậm chí đã sản xuất và đặt hàng nghìn km cáp dưới Thái Bình Dương. Google, Meta và Amazon là những nhà đầu tư lớn của cả 2 tuyến, theo thông báo công khai về các dự án. Các nguồn tin làm việc trong các dự án cho biết việc chậm trễ và định tuyến lại đã khiến mỗi công ty thiệt hại hàng chục triệu USD doanh thu và các chi phí khác.

Mỹ tìm mọi cách để loại trừ nhà thầu Trung Quốc

Để hất các công ty xây dựng Trung Quốc khỏi những tuyến cáp quan trọng, Mỹ thường tìm cách tác động đến các nhà đầu tư của dự án.

Trong vụ SeaMeWe-6, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) cho biết họ đã tài trợ tổng cộng 3,8 triệu USD cho 5 công ty viễn thông ở các quốc gia trên tuyến cáp để đổi lấy việc họ chọn SubCom làm nhà thầu xây dựng.

Telecom Egypt của Ai Cập và Network i2i Limited của Ấn Độ đã nhận được 1 triệu USD mỗi công ty, USTDA cho biết. Djibouti Telecom, Sri Lanka Telecom và Dhivehi Raajjeyge Gulhun mỗi bên nhận được 600.000 USD.

Đồng thời, các nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo các hãng viễn thông nước ngoài rằng Mỹ có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt HMN Tech, có thể khiến khoản đầu tư của họ vào dự án cáp gặp rủi ro nếu HMN Tech là nhà thầu.

internet anh 3

Mỹ có lợi thế là nơi tập trung các công ty công nghệ và các trung tâm dữ liệu lớn, và có khả năng gây áp lực lên các công ty viễn thông là nhà đầu tư cáp ngầm. Ảnh: Shutterstock.

Đại sứ Mỹ tại ít nhất 6 quốc gia tham gia phát triển SeaWeMe-6, bao gồm Singapore, Bangladesh và Sri Lanka, đã viết thư cho các nhà mạng viễn thông địa phương, nói rằng việc chọn SubCom là “một cơ hội quan trọng để tăng cường hợp tác thương mại và an ninh với Mỹ".

Ngoài ra, các đại sứ Mỹ và nhà ngoại giao cấp cao đã gặp gỡ giám đốc của các công ty viễn thông tại ít nhất 5 quốc gia. Thông điệp của họ là HMN Tech có thể bị Mỹ trừng phạt trong tương lai gần, và băng thông trên tuyến cáp sẽ không đến được các khách hàng tiềm năng nhất - các công ty công nghệ Mỹ.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận cơ quan này đã vận động thông qua các đại sứ quán để giúp SubCom giành được hợp đồng, bao gồm việc cảnh báo các quốc gia khác về những rủi ro bảo mật do HMN Tech gây ra. Quan chức này cho biết mặc dù tuyến cáp không cập bờ lãnh thổ Trung Quốc, chính phủ Mỹ vẫn tin rằng HMN Tech có thể lắp đặt thiết bị giám sát từ xa bên trong tuyến cáp.

Cuối cùng, vào tháng 2/2022, SubCom thông báo rằng liên minh đã chọn họ làm nhà thầu xây dựng. China Telecom và China Mobile, đáng nhẽ sẽ sở hữu tổng cộng 20% tuyến cáp, đã rút lui vì chính phủ Trung Quốc không chấp thuận việc họ tham gia vào dự án do SubCom xây dựng.

internet anh 4

Bản đồ hơn 400 tuyến cáp quang ngầm đáy biển trên thế giới, phần lớn do các nhà thầu từ Mỹ, Nhật và Pháp xây dựng. Ảnh: Telegeography.

Vào ngày 26/6/2022, Nhà Trắng công bố một bản thông tin về nhiều dự án cơ sở hạ tầng sắp tới, bao gồm cả tuyến SeaMeWe-6. Tài liệu cho biết chính phủ Mỹ đã hợp lực giúp đảm bảo hợp đồng này về tay SubCom.

Trung Quốc lên tiếng

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, phát biểu tại Bắc Kinh trong tháng này, cho biết 2 quốc gia sẽ tiếp tục gặp phải xung đột và đối đầu trừ khi Washington từ bỏ các chính sách “ngăn chặn và đàn áp” đối với Trung Quốc.

3 công ty đã thống trị việc xây dựng và lắp đặt cáp quang dưới biển trong nhiều thập kỷ là SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine Networks của Pháp. Tình hình thay đổi vào năm 2008 khi Huawei Marine Networks Co Ltd của Trung Quốc bước vào cuộc cạnh tranh.

15 năm trôi qua, công ty này, hiện được gọi là HMN Tech, đã trở thành nhà sản xuất cáp ngầm phát triển nhanh nhất thế giới, theo dữ liệu của TeleGeography. Tuy nhiên có bằng chứng cho thấy chiến lược của Mỹ đã kìm hãm công ty này.

internet anh 5

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cảnh báo nguy cơ xung đột và đối đầu, trừ khi Washington từ bỏ các chính sách ngăn chặn Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

HMN Tech cung cấp 18% số cáp ngầm được đưa vào hoạt động trong 4 năm qua. Nhưng hiện nay, công ty chỉ xây dựng 7% số cáp đang trong quá trình phát triển trên toàn thế giới, theo TeleGeography. Số liệu này dựa trên tổng chiều dài cáp đã đặt, không phải số lượng dự án.

Để đáp trả, Trung Quốc cản trở việc phát triển một tuyến cáp mà Meta là nhà đầu tư, theo các nguồn tin là nhà tư vấn trong dự án. Tuyến cáp đó, được gọi là Southeast Asia-Japan 2, đáng nhẽ sẽ chạy từ Singapore qua Đông Nam Á, với các điểm cập bờ ở Trung Quốc trước khi đi đến Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các chuyên gia tư vấn cho biết Trung Quốc đã trì hoãn cấp giấy phép cho tuyến cáp, với lý do lo ngại rằng nhà thầu NEC của Nhật Bản cài đặt thiết bị gián điệp trên tuyến.

Khi FCC thu hồi giấy phép của China Telecom vào năm 2021, với lý do công ty này “chịu sự khai thác, ảnh hưởng và kiểm soát của chính phủ Trung Quốc", Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng FCC đã “lạm dụng quyền lực nhà nước và tấn công ác ý các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc” mà không có bất kỳ cơ sở thực tế nào.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Bài liên quan

Hoàng Nam

Bạn có thể quan tâm