Căng thẳng lâu ngày giữa hai cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump giờ đang diễn ra công khai với những tranh cãi về đường hướng đối ngoại của chính quyền.
AP cho hay một loạt nhóm bảo thủ đang chĩa mũi dùi vào cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, cho rằng ông không giúp ích nhiều trong vấn đề Israel (một vấn đề chủ chốt của chính sách đối ngoại Mỹ) cũng như không đủ cứng rắn với Iran.
Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster (trước) và chiến lược gia trưởng Steve Bannon. Ảnh: Getty. |
Những ngày gần đây, những người này cùng một website gần gũi với Steve Bannon, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, đang kêu gọi sa thải ông McMaster, vị tướng quyền lực trong chính quyền Tổng thống Trump. Chiến dịch trên mạng này nóng tới mức ông Trump buộc phải tuyên bố là ông ủng hộ vị cố vấn quan trọng của mình.
Mâu thuẫn này phản ánh căng thẳng mang tính cốt lõi trong nội bộ TT Trump. McMaster là một trong vài vị tướng xuất phát từ nhóm truyền thống của phe Cộng hòa. Ông Trump trong khi đó lại có những quan điểm đồng thuận với những nhóm như Bannon, những người muốn thúc đẩy định hướng đảng Cộng hòa theo hướng chủ nghĩa biệt lập và học thuyết "Nước Mỹ trên hết".
Theo các quan chức chính quyền Mỹ cũng như chuyên gia bên ngoài, McMaster và Bannon gần đây đã to tiếng và tranh cãi liên tiếp trong các cuộc họp ở Nhà Trắng về chiến lược với Afghanistan.
Nhưng Afghanistan chỉ là phần nhỏ mâu thuẫn giữa hai người. Hai bên đã đụng độ nhau nhiều về các vấn đề nhân sự.
McMaster mới đây đã loại 3 nhân sự được coi là gần gũi với Bannon trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Bannon, người muốn lật đổ tư duy truyền thống ở Washington, coi McMaster là người duy trì tiếp chính sách của Obama, đặc biệt là duy trì sự tham gia của Mỹ vào các vấn đề toàn cầu.
Trang Breibart, nơi ông Bannon từng làm chủ và có nhiều ảnh hưởng tới Nhà Trắng, trong những ngày vừa rồi đã đăng một loạt bài tấn công McMaster.
Tình hình căng thẳng tới mức ông Trump phải phản ứng hôm cuối tuần: "Tướng McMaster và tôi đang phối hợp rất tốt. Ông ấy là người tốt và rất ủng hộ Israel. Tôi biết ơn những gì ông ta đang làm cống hiến cho đất nước".
Trong khi đó, hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng tướng McMaster đã nổi nóng với sự thiếu tổ chức và vô kỷ luật trong một số vấn đề chính sách then chốt của Nhà Trắng. Đề xuất của ông về việc Washington cần có thái độ cứng rắn hơn với Nga đã bị lờ đi.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được cho là cảm thấy bực bội vì hành động của ông vấp phải sự chỉ trích của chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon và cố vấn Sebastian Gorka, cũng như vì ông không được độc lập đưa ra quyết định. Một số quan chức khác than phiền rằng các cố vấn của tổng thống can thiệp quá nhiều.
Ở hậu trường, ông Trump được cho là đã thỉnh thoảng bày tỏ không hài lòng với tướng McMaster và không hài lòng việc mất tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh cũ mà chỉ tại vị được hơn 20 ngày.