Ngày 13/7/2000, Hiệp định Thương mại Việt Mỹ được ký kết. 3h sáng ngày 11/12/2001 là thời khắc lịch sử, khi lễ trao đổi thư phê chuẩn Hiệp định Thương mại song phương (BTA) giữa đại diện Bộ Thương mại Việt Nam và Mỹ diễn ra tại Washington, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Việt - Mỹ sau 5 năm bình thường hóa quan hệ.
Đến nay, gần 15 năm trôi qua, BTA thực sự tạo nên môi trường thuận lợi để mối quan hệ giao thương giữa hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất chuyển biến về chất, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như trước khi BTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ năm 2001 chỉ dừng lại ở 1,51 tỷ USD, thì chỉ một năm sau, con số tăng gần gấp đôi, đạt 2,89 tỷ USD. Số liệu của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương với Việt Nam năm 2014 đạt 36,3 tỷ USD, gấp 24 lần so với năm 2001. Đây cũng là năm Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu số một vào thị trường Mỹ trong 10 nước ASEAN.
Trong suốt 15 năm BTA có hiệu lực, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Mỹ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2002 là 2,45 tỷ USD; năm 2005 là 5,93 tỷ USD; năm 2010 là 14,24 tỷ USD. Đến năm 2014, giá trị hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này lên 30,6 tỷ USD, tăng 24% so với một năm trước, đưa Việt Nam vào top 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào nền kinh tế số một thế giới.
Hàng may mặc, giày dép của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ có thể tăng tới 45,9% vào năm 2025. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi chưa có BTA, 78% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2001 là sơ chế, với mặt hàng chủ lực là tôm và các sản phẩm dầu khí. Năm 2003, hai năm sau BTA, các mặt hàng chế tác đã chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến nay, tỷ trọng hàng chế tác sang Mỹ của Việt Nam đã chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam trước đó chủ yếu là Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và khu vực ASEAN. Sau khi ký kết BTA, từ năm 2005, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được phân phối khá đồng đều trên bốn thị trường chính, là Mỹ, EU, ASEAN và Nhật Bản. Trong đó, Mỹ vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 30,6 tỷ USD, vượt xa so với EU (27,9 tỷ USD), ASEAN (19 tỷ USD) hay Nhật Bản (14,7 tỷ USD).
Trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, dệt may và thủy hải sản là những sản phẩm nổi bật. Tháng 1/2007, Mỹ chính thức xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đưa nhóm này lên vị trí "quán quân" về giá trị giao thương của hai quốc gia. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến tháng 4/2015, Việt Nam chiếm khoảng 10,16% tổng thị phần hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ. Đây là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành.
Khác biệt lớn nhất trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ sau BTA chính là vụ kiện chống bán phá giá cá tra, basa và tôm, do các doanh nghiệp Mỹ đề xuất kéo dài trong suốt 15 năm qua. Thực tế, trước khi hiệp định thương mại song phương có hiệu lực, cá tra và basa phile đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ chịu thuế 4,4 cent/kg. Nhờ BTA, sản phẩm này theo nguyên tắc không còn phải chịu thuế nhập khẩu nữa. Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cá chủ lực của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, từ mức 38 triệu USD năm 2001 lên 62,8 triệu USD năm 2002, tạo áp lực tới nền sản xuất trong nước của Mỹ.
Trải qua nhiều lần điều tra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam từng phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 37,94% tới 63,88% trong những năm đầu áp dụng, sau đó tăng giảm tùy vào việc Mỹ chọn quốc gia làm tiêu chuẩn tính giá thành.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhằm đưa mức thuế về 0% nhưng ít nhất trong 5 năm tới, sản phẩm cá da trơn của Việt Nam vẫn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, với tôm, kể từ năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ được áp dụng mức thuế chỉ còn 1% so với 6,7% trước đó.
15 năm sau BTA có hiệu lực, cả Mỹ và Việt Nam đang nỗ lực để hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong năm 2015. Theo tính toán của giáo sư Peter A.Petri - Đại học Brandeis (Mỹ) và các đồng nghiệp, ciệc gia nhập TPP với 12 thành viên có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025, và tạo ra ít nhất 6 triệu việc làm cho riêng ngành dệt may. TPP có thể đưa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sang một chương mới, đưa kim ngạch thương mại song phương tăng lên 57 tỷ USD vào năm 2020.