Nếu như năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt đến 8 tỷ USD thì năm 2015 con số này chỉ dừng ở 6,7 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ kém, giá giảm và biến động của đồng nội tệ tại các nước nhập khẩu so với USD đã tác động mạnh đến thủy sản Việt Nam. Tất cả các ngành hàng đều có mức giảm sâu 3-25%. Riêng tôm ảnh hưởng nặng nề nhất, với lượng xuất giảm khoảng 30%.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, những con số giảm này thực tế chỉ là bề nổi, chưa phản ánh hết những vất vả của doanh nghiệp và nông dân trong năm qua, khi phải chống chọi với nhiều thách thức thị trường, cũng như cạnh tranh gây gắt từ các nước xuất khẩu khác.
Theo Vasep, cá tra là mặt hàng được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt nhất hiện nay song hầu hết phục vụ xuất khẩu, thị trường nội địa tiêu thụ chưa đạt 50% sản lượng. Ảnh: Lê Dân. |
Năm 2016 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn của thủy sản, nhất là mặt hàng cá tra xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ban hành "Quy định cuối cùng" về việc thiết lập chương trình giám sát đối với cá da trơn, trong đó có cá tra Việt Nam áp dụng trong 3 tháng tới. Việc Mỹ thực hiện quy định giám sát mới này có thể khiến ngành cá tra, ba sa có nguy cơ mất thị trường Mỹ, vốn chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep cho rằng, từ năm 2016 trở đi sẽ có nhiều thuận lợi cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có thủy sản, bởi hàng loạt FTA quan trọng được ký kết, vận hành, trong đó có TPP. Có thể nói thủy sản là ngành hưởng lợi lớn khi FTA này có hiệu lực. Song đó là lý thuyết, còn thực tế thì cả doanh nghiệp và nông dân sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trước mắt.
“Ngay đầu năm 2016, điện sẽ tăng thêm 10%, bảo hiểm xã hội tăng, lãi suất ngân hàng cũng bắt đầu tăng. Quan điểm của tôi, các FTA được ký kết cửa sẽ rộng mở. Song hàng rào kỹ thuật cũng tăng lên, chứ không phải phải đơn giản khi các thị trường mở cho mình bán hàng”, ông Minh nói.
Cũng theo Phó chủ tịch Vasep, hội nhập đang đòi hỏi ngành thủy sản phải đi từ gốc đến ngọn, chuyển hóa đầu tư từ con giống đến nuôi trồng. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách đặc thù với ngành, nhất là hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tái cấu trúc.
Riêng thất bại của xuất khẩu thủy sản năm 2015, ông Minh lại cho rằng, đừng nên bi quan về những con số. Thực tế năm qua giá thực phẩm giảm mạnh trên toàn cầu. Ngành thủy sản đạt con số 6,7 tỷ USD là đã thành công, bởi đã giữ được sản lượng. Vấn đề quan trọng buộc phải thay đổi là nhanh chóng đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi ở thị trường nội địa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đừng bận tâm quá nhiều vào thị trường Mỹ, hãy nhắm tới châu Á với dân số 3 tỷ người, nhắm tới những nước mà người dân có thu nhập ngang với Việt Nam để tấn công, như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…