Thông tin được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu trong buổi họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội năm 2015 tổ chức ngày 26/12.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, không chỉ GDP tăng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế đã được cải thiện. Như vậy, với việc tăng trưởng GDP năm nay vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm, và đạt cao nhất trong 5 năm qua có thể nhận định, nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.
Nếu nhìn vào xu hướng, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao dồn cuối năm. Riêng GDP quý IV tăng tới 7,01%, cao hơn mức tăng 6,12% của quý I, 6,47% của quý II và 6,87% trong quý III.
Phân tích cụ thể mức đóng góp của các yếu tố cho tăng trưởng GDP năm 2015, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 858,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2014.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 6,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước tính đạt 3.242,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014)...
Với việc GDP đạt mức khá cao, theo ông Nguyễn Bích Lâm, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Cụ thể, dù GDP cao nhưng lạm phát lại tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (CPI bình quân tăng 0,63%).
Lạm phát thấp do yếu tố chi phí đẩy giảm, và là một trong những yếu tố có tác động tốt cho tăng trưởng kinh tế. Lạm phát thấp làm tăng giá trị của đồng tiền Việt Nam nhưng không làm giảm thu nhập của người dân. Đây cũng là yếu tố kích thích tăng chi tiêu của hộ gia đình và tăng tổng cầu nền kinh tế. Điều đó cho thấy lạm phát thấp không có nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Điều đáng khích lệ nữa là tiêu dùng cuối cùng và tích lũy của nền kinh tế tăng cao, đời sống của nhân dân được cải thiện. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13,6%, dư nợ tín dụng tăng 17,02%. Đáng chú ý, nguồn để dành (tiết kiệm) của nền kinh tế tiếp tục được duy trì và ổn định ở mức 29-30% so với GDP. Đây là nguồn tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước.
Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn do giá dầu giảm, thu ngân sách Nhà nước tính từ đầu năm đến 15/12/2015 vẫn ước đạt 884,8 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 657 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô 62,4 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 160 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1.064,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán, trong đó chi cho đầu tư phát triển 162 nghìn tỷ đồng; chi phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý hành chính đạt 745 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ 148,3 nghìn tỷ đồng.
Ông Lâm cho biết thêm, các chỉ tiêu đáng lưu ý khác cũng thể hiện dấu hiệu tích cực của nền kinh tế như: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo của 11 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2013 và mức tăng 11,1% của cùng kỳ năm 2014.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1/12/2015 tăng 9,5% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn so với cùng thời điểm của 2 năm gần đây (cùng thời điểm năm 2013 tăng 10,2% và năm 2014 tăng 10%). Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/12/2015 tăng 6,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.
Tuy nhiên, xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao nhưng không đạt kế hoạch. Xuất khẩu năm 2015 đạt thấp hơn năm trước và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%) chủ yếu do chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với năm trước, bình quân chung giảm 3,8%.