Khó khăn chất chồng mà nông sản Việt phải đối mặt gây thách thức không nhỏ cho mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD của toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong năm 2019.
Giá xuất khẩu giảm tới hơn 25%
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 8 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Đáng chú nhất trong bản cáo cáo là những thông tin về xuất khẩu nông sản khi nhóm nông sản chính có giá trị xuất khẩu ước đạt 10,84 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm này có 5 sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm rau quả (2,3 tỷ USD), cà phê, hạt điều (1,8 tỷ USD), gạo (1,73 tỷ USD) và cao su (1,1 tỷ USD).
Hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu đình đám đang rơi vào tình trạng lượng tăng nhưng giá giảm mạnh.
Cụ thể, với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 4,01 triệu tấn và 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm tới 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Với mặt hàng hồ tiêu, mức độ giảm giá còn khốc liệt hơn. Khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 201 nghìn tấn, tương đương 514 triệu USD, tăng 32,5% về khối lượng nhưng lại giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2.557 USD/tấn, giảm mạnh tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu đình đám đang rơi vào tình trạng lượng tăng nhưng giá giảm mạnh. Ảnh: Reuters/Kham. |
7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều ước đạt 235 nghìn tấn và 1,8 tỷ USD, tăng 13,3% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 7.612 USD/tấn, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2018...
Không chỉ mất giá, với mặt hàng cà phê, thậm chí cả lượng xuất khẩu cũng sụt giảm. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,08 triệu tấn và 1,82 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân nửa đầu năm chỉ đạt 1.706 USD/tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Nông sản Việt Nam sản xuất hiện nay phải nhận định là lượng quá nhiều, tiền quá ít. Đó là kiểu bán tấn thì rõ nhiều mà két thì rõ bé”.
Hàng chủ yếu xuất thô, kém cạnh tranh
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích khó khăn trong xuất khẩu nông sản xuất phát từ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, khiến giảm cầu.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra những biến động ở 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Vì mở rộng diện tích, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng, trong khi đó chất lượng chưa được cải thiện. Ảnh: Reuters/Kham. |
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá thời gian qua, vì mở rộng diện tích, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng, trong khi đó chất lượng chưa được cải thiện. Xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khó cạnh tranh, dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp.
"Hàng nông sản hiện nay vẫn chủ yếu là hàng xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản. Công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, sản phẩm chế biến rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu không có thương hiệu, khó cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ nhất ở các ngành hàng như cà phê, hồ tiêu", chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
Từ góc độ ngành hàng, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết hiện nay, hồ tiêu chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ tiêu trắng, tiêu nghiền quá thấp so với nguyên liệu xuất thô. Còn nhiều thứ để chế biến từ hồ tiêu mà Việt Nam chưa đẩy mạnh được, ví dụ như trong sinh học, y tế, chế biến thực phẩm chức năng hoặc những sản phẩm có liên quan đến nguyên liệu là hồ tiêu…
Đầu năm 2019, toàn ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 43 tỷ USD.
Đi qua 7 tháng đầu năm, ở thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu nông sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Điều này khiến cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung được dự báo khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm trước. Ảnh: Reuters. |
Bộ NN&PTNT cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các nước đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Phân tích sâu từ câu chuyện của ngành hồ tiêu, theo ông Hải, để gia tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu phải hướng tới tạo ra sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, giúp giá tiêu cao hơn. Đây cũng là hướng đi khả quan cho nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.