Hai năm trở lại đây, Trung Quốc và Mỹ là hai bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, với tổng kim ngạch hai chiều năm 2014 tới 58,6 tỷ USD. Thị trường Mỹ tuy giữ vị trí số 2 nhưng có khoảng cách rất lớn (gần 35 tỷ USD năm 2014).
Hai nửa bức tranh đối lập
Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 14,9 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu 43,7 tỷ USD, nên nhập siêu “khủng” tới 28,8 tỷ USD. Với Mỹ thì ngược lại, Việt Nam xuất khẩu được 28,7 tỷ USD, nhưng chỉ nhập khẩu “hẻo” 6,3 tỷ USD, nên xuất siêu “khủng” 22,4 tỷ USD. Từ năm 2007 trở lại đây, càng ngày Việt Nam càng phải vét những USD thặng dư cuối cùng ở những thị trường khác, mới bù đắp được khoản thâm hụt trong buôn bán với họ.
Những nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dù khá đáng kể nhưng 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 11 tỷ USD, nhập khẩu lại tăng rất mạnh lên gần 32,6 tỷ USD. Nhập siêu vì thế ở mức “khủng”: 21,6 tỷ USD. Với thị trường Mỹ, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 21,9 tỷ USD và chỉ nhập khẩu 5,4 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại tăng mạnh lên 16,5 tỷ USD.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để thu hẹp thâm hụt thương mại là điều phải làm. Đây là vấn đề đã được đặt trên bàn nghị sự của lãnh đạo cấp cao nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc không ít lần, có điều thực tế vẫn quay theo vòng quay của nó.
Khó và dễ
Với việc Trung Quốc phá giá rất mạnh đồng nhân dân tệ vào đầu tháng trước, quan ngại về việc hàng “Made in China” sẽ tràn vào Việt Nam mạnh hơn nữa, ngược lại hàng “Made in Vietnam” khó vào Trung Quốc hơn là điều dễ hiểu.
Xuất khẩu trái thanh long đang gặp thuận lợi. |
Nhưng bình tĩnh nhìn vào số liệu sẽ thấy quan ngại đó không trở thành hiện thực trong tháng 8 vừa qua, mà ngược lại. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chỉ tăng 14,6% (tám tháng đầu năm có nhịp độ tăng trưởng bình quân 32,7%/tháng).
Bất ngờ hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tháng 8 đã tăng đột biến 20,5%. Một tác nhân rất quan trọng dẫn đến bất ngờ “kép” đó là hàng nông sản. Kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ yếu (gạo, cà phê, điều nhân, sắn, cao su, hạt tiêu, chè, rau quả, thủy sản, gỗ...) tháng 8 đã tăng tới mức 23,9%.
“Bí mật” nằm trong nhóm hàng rau quả với mức tăng bùng nổ 230,2%, tính chung tám tháng tăng 139%.
Việc tăng đột biến trong nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng rau quả của Việt Nam khơi gợi một sự thích ứng linh hoạt hơn. Vì thị trường nhập khẩu nông sản Trung Quốc rất lớn mà Việt Nam chưa khai thác được bao nhiêu nên dư địa là “mênh mông”.
Theo Hải quan Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản của nước này liên tục tăng những năm gần đây, riêng năm 2014 đạt gần 122 tỷ USD. Nhưng năm 2014, Việt Nam chỉ xuất khẩu được hơn 4,8 tỷ USD (3,98%), bảy tháng đầu năm nay tuy tăng đột biến nhưng cũng chỉ ở mức 5,54% (gần 3,8 tỷ USD).
Thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc đang “nở ra” rất nhanh. Nước này chỉ có 10% tài nguyên đất, nhưng phải nuôi số dân chiếm tới 20% dân số thế giới. Dù họ có nỗ lực vượt bậc để tăng năng suất thì cũng không thể tự túc được lương thực thực phẩm, do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao. Điển hình là việc sản xuất và tiêu dùng các loại hạt cho dầu của Trung Quốc.
Theo dự báo của FAO và OECD, dù Trung Quốc sẽ nỗ lực mở rộng diện tích gieo trồng từ quy mô khổng lồ 19,8 triệu ha (năm 2014) lên hơn 21 triệu ha trong vòng 10 năm tới, nhưng tỷ trọng của các loại cây này trong tổng diện tích của thế giới và sản lượng dự kiến 51 triệu tấn sau 10 năm tới cũng chỉ dưới ngưỡng 10%. Trong khi tiêu dùng hiện đã ở mức “khủng” 122,4 triệu tấn, trong đó họ nhập khẩu tới 77,7 triệu tấn, sau 10 năm nữa sẽ nhập tới 95,8 triệu tấn.
Tại Diễn đàn Bác Ngao mùa xuân năm nay, Trung Quốc phát đi thông điệp rằng, họ sẽ không gia tăng sản lượng bằng mọi giá, mà sẽ tìm kiếm nguồn cung trên thị trường thế giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đó. Trong điều kiện đó, sát ngay Trung Quốc, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn hẳn hầu hết đối thủ cạnh tranh khác để khai thác thị trường này.
Mỹ tuy vẫn là thị trường khổng lồ mà Việt Nam rất nỗ lực để xâm nhập (quy mô xuất khẩu hàng nông sản sang đây ngang ngửa thị trường Trung Quốc, với mức 5,6 tỷ USD năm 2014 và 3,6 tỷ USD trong tám tháng đầu năm nay), song có rất nhiều khó khăn để Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu. Đây là một thị trường xa, đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, hầu như tất cả nông sản chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ, điều, hồ tiêu, thủy sản, cà phê thì đã tập trung xuất khẩu rất lớn, những mặt hàng khác khó có thể tăng mạnh quy mô.
Quả vải là ví dụ tiêu biểu. Trong khi một lượng quả vải chỉ có ý nghĩa tượng trưng chật vật trải qua quá trình rất nhiêu khê để vào được thị trường Mỹ thì hàng chục vạn tấn vải dễ dàng vào Trung Quốc với giá cả cũng hợp lý.
Nếu các thương nhân nước ta chịu bỏ công sức trực tiếp kết nối với các đầu mối tiêu thụ sâu trong thị trường nội địa Trung Quốc, tạo nên những quan hệ thương mại ổn định, lâu dài thì không chỉ hiệu quả xuất khẩu chắc chắn còn cao hơn nhiều mà việc tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ cũng tốt hơn.