Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn gửi đến các công an các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời phát hiện hành vi, thủ đoạn của một số thương lái Trung Quốc và báo cáo bằng văn bản cho công an tỉnh. Đồng thời, các địa phương cần tuyên truyền vận động các doanh nghiệp kinh doanh nông sản đề cao cảnh giác trước thủ đoạn của các thương lái Trung Quốc.
Doanh nghiệp H.P. (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đang "ôm" 50 tấn tiêu lép và 20 tấn tạp chết tiêu theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc. |
Theo đó, từ khoảng tháng 4/2015 đến nay, Phòng An ninh Kinh tế phát hiện một số thương lái Trung Quốc đã đến địa bàn tỉnh thu gom hồ tiêu, tiêu lép, các tạp chất của tiêu từ các hộ nông dân. Họ thu mua với số lượng lớn, giá cao hơn giá thị trường từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng.
Sau khi thu gom, thương lái Trung Quốc tiếp tục đặt cọc tiền, ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh nông sản với giá rất cao nhằm tạo sự khan hiếm nguồn hàng trên thị trường. Cùng thời điểm này, nguồn hàng trong dân không còn, các doanh nghiệp và đại lý không còn hàng để giao nên các thương lái Trung Quốc thông qua thương lái người Việt dùng lượng hàng đã thu gom trước đó bán lại cho các doanh nghiệp, đại lý và cuối cùng hủy hợp đồng đã ký.
Các doanh nghiệp, đại lý ôm hàng trăm tấn tiêu đã mua với giá cao từ thương lái Trung Quốc hoặc thu gom từ các nguồn khác nhưng không thể bán theo hợp đồng đã ký. "Thủ đoạn của thương lái Trung Quốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho người dân, đại lý và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh", công văn nêu rõ.
Tạp chất của tiêu được thu mua với giá 15.000 đồng/kg. |
Trước đó, Báo Người Lao Động đã phản ánh, nhiều chủ đại lý, công ty thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ôm hàng trăm tấn tiêu, tiêu lép, tạp chất của tiêu với giá cao sau khi bị các thương lái Trung Quốc tới đặt hàng nhưng không lấy.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, sở đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản để cảnh báo và thông báo cho cơ quan chức năng mỗi khi phát hiện có dấu hiệu bất thường. Cũng theo ông Dương, tình trạng này cũng đã từng xảy ra với các mặt hàng nông sản khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.