Gần đây, một số tỉnh ở ĐBSCL như Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang... xuất hiện thương lái tìm thu mua cam non còn tươi, hoặc đã cắt miếng phơi khô. Nhiều nhà vườn hái cam non đem bán.
Huyện Châu Thành là địa phương có diện tích đất trồng cam sành lớn nhất tỉnh Hậu Giang, với hơn 4.600 ha. Những năm qua, cây cam sành đã đưa nhiều nhà vườn nơi đây trở nên khá giả với thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Chuyện thương lái tìm đến mua cam sành non và người dân hái đem bán được người dân ở đây xác nhận là có thật.
Chị Trần Thị Thanh, chủ vựa cam ở ấp Đông Phú, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, chị thu mua cam sành non của các nhà vườn để bán lại cho thương lái đã gần 1 tháng nay. Mỗi ngà, chị mua được khoảng vài trăm kg với giá 700-1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái mua đem về đâu, để làm gì chị cũng không rõ.
“Thương lái bên Vĩnh Long qua đặt mua cam mỗi ngày 200-300 kg với giá 1.000 đồng/kg. Họ nói để dùng làm thuốc Nam, nhưng sự thật không ai biết rõ”, chị Thanh nói.
Một điểm thu mua cam sành non ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. |
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, hàng năm, vào thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng cam sành ở Châu Thành thường hái bỏ cam non. Bởi lẽ, nếu họ cứ để cam phát triển bình thường, đến vụ thu hoạch giá sẽ rất rẻ, chỉ 5.000–7.000 đồng/kg trong mùa thuận.
Sau khi lặt trái non bỏ, nhà vườn trồng cam sành sẽ chăm sóc cây cho thật tốt để sau đó xử lý cho ra trái mùa nghịch, khi thu hoạch cam sẽ có giá cao 30.000–45.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn tỉa bớt trái non xấu, để những trái còn lại phát triển to và đẹp hơn. Trước đây, số trái non được hái bỏ tại gốc, giờ có người mua, bà con thu gom đem bán để có thêm chi phí phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc bà con đổ xô hái cam non đem bán là không đúng.
Ông Trần Văn Hoàng, cán bộ phụ trách nông nghiệp tại xã Đông Phước, huyện Châu Thành lại cho rằng, xã vẫn quan tâm đến hiện tượng thu mua cam non. Nếu có hiện tượng thu mua tận diệt, xã sẽ can thiệp vận động bà con không bán. Hiện việc mua cam non của thương lái không gây tác hại. Bởi nếu thương lái không thu mua, nhà vườn cũng sẽ hái bỏ số cam non này.
Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, dù việc thu mua cam sành non hiện nay không gây thiệt hại về kinh tế cho nhà vườn, tuy nhiên những ngày qua địa phương cũng tập trung tuyên truyền để bà con nông dân nâng cao cảnh giác.
Những năm gần đây, tại ĐBSCL đã thường xuyên xảy ra tình trạng thu gom các sản phẩm nông nghiệp rất lạ của thương lái. Các sản phẩm được mua gồm có ngọn khoai lang, ốc bươu vàng, đọt khoai mì, râu ngô, lá mãng cầu, cau non, hoa thanh long, cỏ xuyến chi…
Ban đầu, thương lái mua số lượng ít với giá cao, đến khi người dân thu gom được số lượng lớn thì họ "biến mất". Lúc đó thương lái địa phương rơi vào cảnh gom hàng nhưng không biết bán ở đâu. Không nhận được tiền, nông dân và thương lái đã nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự tại địa phương.