Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xuất bản Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn'

Ông Kim Young Jin cho rằng Việt Nam có dân số đông, đầu tư giáo dục, phát triển văn hóa đọc. Đó là thế mạnh phát triển ngành sách.

Trong khuôn khổ Hội sách bản quyền Hàn Quốc tại Hà Nội 2019, ông Kim Young Jin - Viện trưởng Viện chấn hưng công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc - chia sẻ nguyện vọng muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành sách.

Han Quoc tang cuong xuat ban voi Viet Nam anh 1
Đại diện các NXB giao dịch, trao đổi tại Hội sách bản quyền Hàn Quốc.

'Chúng tôi mong muốn hợp tác đào tạo xuất bản'

- Đây là lần thứ ba Viện Chấn hưng công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc tổ chức hội sách bản quyền ở Việt Nam. Phía ông tìm kiếm những cơ hội gì thông qua Hội sách?

- Hội chợ lần này không chỉ tạo cơ hội cho các nhà xuất bản hai nước hiểu rõ nhau hơn, còn để các đơn vị trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu thị trường, hợp tác bản quyền sách.

Lịch làm việc ở hội sách dày đặc. Chỉ trong chiều nay có 16-18 cuộc gặp. Chúng tôi hy vọng từ con số nhỏ này có thêm những dự án phát triển xuất bản Việt Nam và Hàn Quốc.

Việc phát hành sách ở Hàn Quốc có xuất khẩu bản quyền (bán bản quyền sách) và xuất khẩu trực tiếp sách Hàn. Thông qua hội chợ, chúng tôi mong muốn thúc đẩy cả hai hình thức.

- Tại lễ khai mạc hội sách, ông có nói muốn hợp tác xuất bản với Việt Nam. Vậy phía Hàn Quốc muốn hợp tác phát triển bằng những kế hoạch, hành động cụ thể gì?

- Bên cạnh tổ chức hội sách giao dịch bản quyền, chúng tôi triển khai một trang web để giới thiệu các xuất bản phẩm của mình. Chúng tôi cũng muốn hợp tác đào tạo xuất bản.

Hàn Quốc là một trong 7 nước có nền xuất bản phát triển trên thế giới. Tuy không phải là quốc gia giàu mạnh như Mỹ, châu Âu, nhưng chúng tôi cũng phát triển kỹ thuật, văn hóa, công nghệ. Chúng tôi có thể chia sẻ với các bạn, và điều này sẽ có ích cho sự hợp tác xuất bản giữa hai bên.

Chúng tôi cũng muốn mở văn phòng hợp tác quốc tế của Viện Chấn hưng công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc ở nước ngoài. Viện đang xem xét lựa chọn một trong ba nước để mở văn phòng vào năm 2020 tại Việt Nam hoặc Mỹ hoặc Trung Quốc.

- Điều gì khiến Viện Chấn hưng công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc hướng tới Việt Nam khi muốn mở văn phòng quốc tế?

- Chúng tôi vẫn đang cân nhắc về việc đặt văn phòng ở nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh lớn là dân số đông, tiềm năng phát triển lớn, có quan hệ tốt với các nước láng giềng như Lào, Campuchia... So với các nước trong khu vực hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao, đặc biệt có dân số trẻ - là thành phần dân số đọc nhiều trong xã hội.

Việt Nam cũng là nước rất quan tâm đến giáo dục, người dân đầu tư cho thế hệ tương lai. Điều đó khiến cho thị trường xuất bản sách ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Bên cạnh đó, nhìn về phương diện lịch sử văn hóa, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng. Điều đó khiến việc tiếp nhận sách giữa hai bên trở nên thuận tiện hơn.

- Viện Chấn hưng công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc có thống kê số đầu sách xuất bản sang Việt Nam?

- Viện chúng tôi không thống kê lượng sách phát hành sang Việt Nam bởi các nhà xuất bản hai bên tự làm việc với nhau. Tuy vậy, khá nhiều đầu sách của Hàn Quốc đã dịch và xuất bản ở Việt Nam.

Tôi được biết một số truyện dân gian, truyện cổ tích Việt Nam xuất bản tại Hàn Quốc như Mị Châu Trọng Thủy chẳng hạn.

Tháng 11/2019, công ty phát hành sách lớn nhất của Hàn Quốc và Fahasa của Việt nam sẽ mở khu trưng bày sách Việt tại hệ thống các nhà sách Kyobo ở Hàn Quốc.

Han Quoc tang cuong xuat ban voi Viet Nam anh 2
Ông Kim Young Jin - Viện trưởng Viện chấn hưng công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc.

Xâm phạm bản quyền là vấn nạn của bất cứ nước nào

- Ông có thể giới thiệu thêm về nền xuất bản Hàn Quốc?

- Năm 2018, Hàn Quốc có khoảng 5.000 nhà xuất bản, với 100.000 đầu sách. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, lượng bạn đọc dành cho sách giấy của chúng tôi đang sụt giảm. Tuy vậy các webtoon (truyện tranh trên nền tảng kỹ thuật số) lại phát triển nhanh chóng. Chúng tôi cũng đầu tư mạnh vào phát triển sách nói.

- Hàn Quốc có chính sách như thế nào để ngành xuất bản phát triển như hiện nay?

- Chính phủ chúng tôi có nhiều chính sách hỗ trợ ngành xuất bản, tiêu biểu là ưu đãi thuế. Hàn Quốc đánh thuế giá trị gia tăng của ngành sách rất thấp (5%). Mã số ISBN cũng không mất tiền. Luật xuất bản chúng tôi còn đưa ra quy định: Giá sách thì do các nhà xuất bản quyết định, nhưng họ không được giảm giá sách quá 10%.

- Vi phạm bản quyền là vấn đề của ngành sách Việt Nam. Hàn Quốc có gặp hiện tượng đó? Các ông làm thế nào để quản lý bản quyền?

- Xâm phạm bản quyền ở nước nào cũng là vấn nạn. Chúng tôi cũng phải đối mặt với vấn nạn này, nó đặc biệt trầm trọng vào 20 năm trước. Hiện nay, tình hình đã tốt hơn rất nhiều. Đó là cả một quá trình nâng cao nhận thức.

Ở Hàn Quốc hiện nay, vấn đề quản lý bản quyền đều được các nhà xuất bản quan tâm. Không chỉ nội dung, bản quyền về minh họa, thiết kế của sách cũng được chúng tôi chú trọng.

Tần Tần

Ảnh: Việt Hùng

Bạn có thể quan tâm