Chưa bao giờ vấn đề giáo dục, xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam được quan tâm sâu sắc và được đặt ra hết sức cụ thể trong các văn kiện của Đảng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và mới đây trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 12 của Đảng được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI nhấn mạnh: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hoá và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước; tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.”
Rõ ràng, đây cũng là sứ mệnh, là trọng trách của những người làm công tác xuất bản, những người góp phần quan trọng làm nên “nền văn hoá đọc”, xây dựng xã hội học tập ở nước ta.
Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Duy Tín |
Vấn đề xây dựng đạo đức, nhân cách con người hiện nay đang trở thành nhu cầu cấp bách, là đề tài quan trọng, chiếm một tỷ lệ lớn của các loại sách xuất bản ở nước ta.
Không thể có những cuốn sách tốt được xuất bản để phục vụ việc giáo dục và xây dựng đạo đức, nhân cách con người khi chính người làm xuất bản lại thiếu những chuẩn mực về đạo đức, nhân cách. Một cuốn sách được xuất bản, nếu không bảo đảm đầy đủ chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ, không hướng con người tới cái chân, cái thiện, cái mỹ thì không thể làm trọn sứ mệnh giáo dục đạo đức, nhân cách con người.
Chính vì lẽ đó, xã hội luôn luôn đòi hỏi những người làm xuất bản luôn đề cao tinh thần tự rèn luyện, bồi dưỡng, giữ gìn đạo đức, nhân cách của mình, không ngừng tích luỹ tri thức văn hoá, nâng cao năng lực chuyên môn, thật sự có tâm, có tầm, có tài thì chắc chắn trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình, xuất bản những tác phẩm có giá trị đích thực, để lại dấu ấn, vẻ đẹp lâu bền trong đời sống xã hội.
Thực tế trong những năm qua, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn để xuất bản những đầu sách, bộ sách có giá trị về cung cấp tri thức, giáo dục thẩm mỹ, xây dựng đạo đức nhân cách cho con người Việt Nam, không ít nơi đã cho xuất bản những ấn phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, sách giật gân, câu khách, vô thưởng vô phạt, không những không góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách mà còn làm ảnh hưởng đến tâm hồn, tình cảm của mọi người trong xã hội đặc biệt là giới trẻ. Nhiều cuốn sách thiếu tính giáo dục, phản cảm đang gây nên sự bức xúc không nhỏ trong các tầng lớp nhân dân.
"Muốn xuất bản sách giáo dục đạo đức cho mọi người, người làm xuất bản phải có đạo đức". Ảnh: Mạnh Thắng |
Việc xem xét, xử lý các loại sách và những người cho xuất bản các sản phẩm như vậy đã có các quy định của pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, có những vấn đề chưa đến mức điều chỉnh của pháp luật, chỉ cần người làm xuất bản tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của mình chắc chắn sẽ hạn chế tối đa những sản phẩm xuất bản kém chất lượng được đưa ra trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, đạo đức nghề nghiệp xuất bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạt động xuất bản. Không thể có được những cuốn sách giáo dục cho mọi người về nhân cách, về đạo đức nếu người xuất bản cuốn sách đó lại thiếu những chuẩn mực về đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mình.
Đạo đức nghề nghiệp thực chất là tổng hợp các quy định về chuẩn mực trong lối sống, làm việc, ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực đó mà họ tự nguyện thực hiện. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhờ thực hiện tốt các quy tắc đạo đức của ngành mình, lĩnh vực mình mà đã tạo nên những giá trị hết sức có ý nghĩa trong hoạt động chuyên môn, xây dựng hình ảnh đẹp, đẩy lùi những biểu hiện và hành vi tiêu cực trong hoạt động chuyên môn.
Để những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản làm tốt sứ mệnh của mình, để xuất bản được những tác phẩm có chất lượng, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những yếu tố quan trọng là phải tự nguyện thực hiện tốt các quy tắc nghề nghiệp xuất bản mà Hội Xuất bản Việt Nam đã xây dựng và mới ban hành ngày 16/9/2015, trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Luôn coi trọng lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân.
2. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước hết là luật pháp về xuất bản. Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về hoạt động xuất bản.
3. Coi trọng chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ trong hoạt động xuất bản.
4. Thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình trong hoạt động xuất bản.
5. Không lợi dụng nghề nghiệp để thực hiện ý đồ, động cơ mang tính cá nhân.
6. Trung thực, khách quan, trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp.
7. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật đời tư, bí mật khác do pháp luật quy định.
8. Tôn trọng tác giả, tác phẩm, cộng tác viên và độc giả.
9. Đoàn kết, hợp tác và hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; sống lành mạnh, giản dị, trong sáng.
10. Không ngừng học tập nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức.