Khi nhắc đến cái tên Quang Dũng, người yêu văn chương nhớ ngay đến một thi sĩ hào hoa, với những vần thơ hùng tráng, sống động mà phóng khoáng.
Bằng ngòi bút tinh tế, cùng sự nhạy cảm với ngôn từ, ông đã dùng thơ để ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Ở đó, thi sĩ và nhiều thanh niên đương thời đã không tiếc thân mình cho Tổ quốc.
Không chỉ phải lòng với văn chương, Quang Dũng còn bén duyên cùng hội họa. Sinh thời, ông vẽ khá nhiều tranh, mỗi bức họa đều thể hiện được cá tính của người cầm cọ.
Với sự hợp tác của gia đình thi sĩ, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt tuyển tập Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao. Cuốn sách được biên soạn bởi con gái nhà thơ, chị Bùi Phương Thảo, và họa sĩ Tô Chiêm.
Tuyển tập Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao. Ảnh:NXB Kim Đồng. |
Áng mây trắng của thi ca
Tuyển tập này in lại 30 bài thơ của tác giả. Bên cạnh những thi phẩm nổi tiếng, đã làm nên tên tuổi của Quang Dũng như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Pha Đin…, những bài thơ khác được ông sáng tác ở buổi đầu của sự nghiệp, vào cuối những năm 30, đầu những năm 40 của thế kỷ trước như: Chiêu Quân, Cố quận, Giang hồ.
Số thơ in trong tuyển tập này chỉ là một phần trong gia tài sáng tác của Quang Dũng. Thế nhưng, chúng cho độc giả thấy được những chuyển biến đáng kể trong bút pháp của ông.
Với bài Chiêu Quân, đó là lòng cảm thương của chàng trai chưa tròn đôi mươi, trước số phận chìm nổi của một mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử, phải tha phương nơi đất khách.
Sau này, nỗi đau của một dân tộc đang chìm trong cơn binh lửa, khiến thi sĩ viết nên những vần thơ lay động lòng người.
Chúng không chỉ là tiếng lòng của anh lính trẻ. Người đối diện trực tiếp với hòn tên, mũi đạn, cùng những cơn sốt rét rừng khiến toàn thân ớn lạnh. Chẳng một ai muốn chiến tranh xảy ra. Đằng sau chiến thắng là máu và nước mắt của bao người.
Những bài thơ được viết trên đường hành quân chiếm số lượng không nhỏ trong tuyển tập này. Có thể nói, những năm tháng tham gia quân ngũ, Quang Dũng đã có những trang nhật ký sống động bằng thơ.
Đường hành quân gian khổ, khoảnh khắc đối mặt với chuyện sống chết, hay những phút giây bồi hồi nhớ tới quê hương, đều được tái hiện một cách sinh động trong thơ ông.
Những vần thơ cũng cho độc giả làm quen một Quang Dũng đa dạng, nhiều màu sắc, phóng khoáng và hào hoa. Điển hình là câu thơ về anh lính trẻ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” trong Tây Tiến ngày nào.
Sự khốc liệt của chiến tranh không thể đánh gục được chất lãng mạn trong tâm hồn của thi sĩ. "Thuở ấy em ngồi trên gác cửa / Tóc buông hong với gió đầu thu / Nhẹ nhàng anh đến hồn chan chứa / Ghi vội vàng em mấy nét thơ" (Suối tóc).
Nhà thơ Quang Dũng và các con ở nơi sơ tán - xã Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây (1972). Ảnh: Gia đình nhà thơ cung cấp. |
Từ nhỏ, Quang Dũng đã được gia đình gửi lên Hà Nội học. Cái nét nhẹ nhàng, thanh lịch của đất kinh kỳ đã thành máu thịt trong con người thi sĩ. Dù trải qua bao thăng trầm của chiến tranh, trận mạc, Quang Dũng vẫn mang cốt cách của chàng trai Hà thành hào hoa.
Thơ Quang Dũng có nhiều dị bản, bản in trong tuyển tập này được dựa theo bút tích của ông trong các sổ tay, tài liệu được gia đình và bạn bè giữ gìn. Một số bài thơ còn có các bức ký họa của Quang Dũng.
Là người yêu hội họa, tác giả muốn ghi lại cảm xúc của mình bằng cả ngôn từ lẫn hình ảnh. Nội dung của các bức ký họa này là phong cảnh của địa danh trong tác phẩm.
Quang Dũng và thế giới của sắc màu
Ngoài thơ ca, hội họa cũng là lĩnh vực đam mê của Quang Dũng. Trong bản lý lịch ngày 12/4/1961, phần “làm việc gì”, ông ghi: Họa sĩ thuộc ngành Hội họa - Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 năm 1952.
Hiện nay, các bức tranh của Quang Dũng bị thất lạc khá nhiều, chỉ còn lại vài chục tranh màu nước, phác thảo và ký họa. Ngoài ký họa, trong tuyển tập này giới thiệu gần 30 tranh màu nước của tác giả.
Nhà thơ - họa sĩ Quang Dũng vẽ cảnh biển Sầm Sơn. Ảnh: Lấy từ tuyển tập. |
Theo họa sĩ Tô Chiêm, Quang Dũng là người “Thi trung hữu họa”. Ông yêu hội họa chẳng kém gì thi ca. Nhiều bài thơ được thi sĩ chép ra sổ tay, còn có tranh đi kèm.
Ông thích tự làm bìa, tự minh họa cho thơ và bút ký của mình. Dường như nghệ sĩ ấy mong muốn những đứa con tinh thần của mình có được sự hài hòa tuyệt đối.
Trong gia tài nghệ thuật của Quang Dũng, có những tác phẩm được sáng tác trên cả hai chất liệu thơ và họa. Nhớ Tây Tiến và Mây đầu ô là hai ví dụ.
Ngoài hai bài thơ nổi tiếng, hai bức tranh cùng tên cũng được sáng tác với nguồn cảm hứng tương tự trong thi ca. Có thể nói, ngoài ngôn từ, Quang Dũng còn dùng hội họa để làm thơ.
Tuyển tập Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao là một món quà đặc biệt mà gia đình và bè bạn dành tặng nhà thơ - họa sĩ tài hoa.
Cuốn sách là bức chân dung cụ thể và toàn diện hơn về một gương mặt đặt biệt của nền văn học Việt Nam trong thế kỷ XX.