Năm 2020, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, các số liệu về đầu sách làm ra và doanh thu đều tăng cao so với năm 2014. Trong 7 năm qua, ngành xuất bản đã có những bước tiến quan trọng. Tuy vậy, tỷ lệ người đọc sách chưa tăng tương xứng.
Vấn đề trên được ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - nêu ra trong buổi sinh hoạt chuyên đề cùng thầy trò Đại học Văn hóa TP.HCM. Buổi nói chuyện có chủ đề “Văn hóa đọc và sự phát triển ngành xuất bản trong tương lai”, diễn ra hôm 10/10 với hình thức trực tuyến.
Ông Lê Hoàng, người có kinh nghiệm làm việc tại Nhà xuất bản Trẻ gần 15 năm (1990-2003), từng làm Giám đốc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, đã trình bày những điểm cốt yếu của văn hóa đọc và thị trường xuất bản.
Hoạt động xuất bản, phát hành tăng trưởng
Ông Lê Hoàng dẫn số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong 7 năm qua, từ đó cho thấy lượng sách đã phát triển tới 30%, tăng từ 28.326 đầu sách năm 2014 lên 36.218 đầu sách năm 2020.
Số bản sách cũng tăng trưởng 19% trong 7 năm qua: Từ gần 369 triệu bản năm 2014 lên hơn 400 triệu bản năm 2020.
Số đầu sách tăng 30% trong 7 năm. Nguồn: Cục Xuất bản, In và Phát hành. |
Doanh thu xuất bản và doanh thu phát hành tăng cao là minh chứng rõ nhất cho thị trường sách phát triển. Doanh thu xuất bản tăng 36%, từ 2,38 tỷ đồng năm 2014 lên 2665 tỷ đồng năm 2020. Doanh thu phát hành tăng tới 45%, từ 3.000 tỷ đồng năm 2014 lên 3.700 tỷ đồng năm 2020 (doanh thu năm 2019 đạt 4.326 tỷ đồng).
“Ngành xuất bản có tăng trưởng, làm ra xã hội nhiều sách, sách đa dạng, phong phú. Doanh thu phát hành cũng tăng trưởng. Đây là niềm vui cho ngành sách”, ông Lê Hoàng nói.
Cả nước hiện có 59 nhà xuất bản Nhà nước, ngoài vai trò của các nhà xuất bản, lượng công ty sách tư nhân ngày một nhiều, đóng góp cho sự gia tăng của đầu sách. Các công ty sách tư nhân như Alpha Book, First News - Trí Việt, Nhã Nam… rất phát triển, làm ra nhiều đầu sách phong phú.
Đơn vị phát hành càng ngày càng tăng lên. Các hệ thống phát hành lớn như Fahasa, Phương Nam, Tiền Phong, Tân Việt… có hàng chục hiệu sách trên cả nước.
“Qua đó, ta thấy bức tranh lạc quan về sự phát triển của xuất bản, phát hành cả nước”, ông Lê Hoàng nhận định.
Doanh thu phát hành (tỷ đồng) của giai đoạn 2014-2020. Nguồn: Cục Xuất bản, In và Phát hành. |
Trong 7 năm qua, số đầu sách tăng lên 30%, nhưng số bản sách phát hành chỉ tăng 16%. Số sách trên đầu người cũng tăng (từ 4,1 đầu sách/người năm 2014 tăng lên 4,6 đầu sách/người năm 2020), nhưng tỷ lệ tăng ít. Điều đó cho thấy số sách làm ra tăng, nhưng lượng người đọc sách chưa tăng tương xứng.
Năm 2019 (năm thị trường xuất bản chưa chịu tác động đại dịch), cả nước có 97 triệu dân, làm ra 440 triệu bản sách. Trong số sách làm ra có 300 triệu bản sách giáo khoa, giáo trình. Như vậy, mức hưởng thụ sách không tính sách giáo khoa đạt 1,4 bản sách/người/năm.
Trong danh sách 61 nước có lượng người đọc sách cao nhất không có Việt Nam. Danh sách ấy có ba quốc gia Đông Nam Á là Singapore (thứ 37), Malaysia (thứ 53) và Indonesia (thứ 60).
Giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc
Nguyên nhân khiến văn hóa đọc của ta chưa được như kỳ vọng do chưa có môi trường, không gian, chính sách phù hợp để tạo dựng thói quen đọc.
Theo ông Lê Hoàng, nhà trường hiện thiếu tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu chính thức. Trong gia đình, các bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ. Các nhà xuất bản, công ty sách chưa thực sự quan tâm công tác thị trường và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Ông Lê Hoàng trong buổi giao lưu trực tuyến hôm 10/10. |
Để hình thành văn hóa đọc, cần thời gian gây dựng. Ông Lê Hoàng dẫn lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả ‘khám phá kho báu tri thức’ hay ‘nâng cao văn hóa đọc’ như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.
Các cấp quản lý đã có những chủ trương phát triển văn hóa đọc như: Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (ngày 25/8/2004); Quyết định số 284/QĐ-TTG ngày 28/2/2014 của thủ tướng Chính phủ về “Ngày Sách Việt Nam”; Luật về thư viện, trong đó có điều 30 - Phát triển văn hóa đọc; Công văn 6841/BGDĐT -GDTX của Bộ GD&ĐT về đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non (ngày 31/12/2015)…
Ông Lê Hoàng kiến nghị cần thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc. Ủy ban sẽ soạn thảo chiến lược, lên kế hoạch dài hạn, tổ chức hoạt động và đôn đốc giám sát thực hiện các hoạt động thúc đẩy đọc sách.
Tổ chức nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc. Kết quả của các cuộc điều tra xã hội học trên quy mô quốc gia nhằm xác định thực trạng đọc sách, mua sách, sử dụng thư viện, các kênh quảng bá sách hiệu quả…
Bổ sung một điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Luật Xuất bản sửa đổi. Nhà nước đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hóa khoa học tổng hợp (cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi công dân), thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển.
Trường học có vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Do vậy, cần đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của nhà trường các cấp; đưa các hoạt động phát triển văn hóa đọc vào trường học; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm với học sinh…